Hơn 10 năm trở lại đây, các siêu thị … ‘bùng nổ’ gian hàng quà tặng, chương trình giảm giá cho thầy cô nhân ngày 20.11. Báo chí cũng tư vấn nên mua quà gì để tặng thầy cô. Phải chăng đó là cách tôn vinh nghề dạy học?
|
Những ngày con còn nhỏ, trải qua các cấp học từ mẫu giáo đến trung học, mỗi năm, sắp đến ngày 20.11 tôi đều chuẩn bị quà cho các cô giáo chủ nhiệm lớp con. Ở những lớp mẫu giáo và tiểu học, bên cạnh giáo viên chủ nhiệm, còn phải nghĩ đến các cô bảo mẫu chăm sóc con trong giờ ăn ở trường nữa. Để con không vấn vương suy nghĩ gì về thầy cô của mình, tôi tuyệt đối không chia sẻ điều này với con. Đó là chuyện riêng giữa tôi và các giáo viên của con. Thông thường tôi hay chọn quà – những món quà hữu ích cần thiết cho đời sống và được gói ghém cẩn thận, đẹp đẽ cùng với tấm thiệp cảm ơn công ơn dạy dỗ của thầy cô.
|
Thế nhưng, hiện nay tôi thấy nhiều bà mẹ trẻ rất thực tế, họ bảo nhau bỏ tiền vào phong bì vì cho rằng đó là “món quà” tốt nhất. Không ít người cho đó là một nghĩa vụ “trả nợ”, họ không ngần ngại chia sẻ điều này với người thân, hoặc ngay cả với con – là học trò của những người thầy sắp được họ tặng quà, thậm chí gửi cho con phong bì đựng tiền để con cầm đến tặng thầy. Khi người tặng quà xem đó là nghĩa vụ, thì không biết người nhận – là thầy cô giáo - sẽ cảm thấy ra sao?
Tôi không biết những năm đầu kỷ niệm Ngày Hiến chương các nhà giáo thì các bậc phụ huynh xử sự như thế nào nhưng chắc chắn là kiểu tôn vinh thầy cô giáo hiện nay đã có nhiều thay đổi và ngả theo chiều hướng thực dụng hơn.
Trong đời, tôi may mắn được theo học với những giáo viên giỏi nghề và tận tâm với học trò. Nghề giáo đối với họ không còn là công việc để kiếm sống mà chính là một đam mê, một cái nghiệp cao cả. Những người thầy người cô dạy trung học của tôi ngày ấy (thập niên 70 - đầu 80 của thế kỷ 20 ) không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà còn dạy chúng tôi cách sống, cách xử sự với nhau, thậm chí là người tư vấn cho chúng tôi chọn nghề và chọn trường đại học phù hợp với khả năng từng đứa. Thầy cô giáo của tôi ngày đó cũng không giàu có gì, cũng phải bươn chải bằng việc mở lớp dạy thêm ở nhà hay làm thêm việc khác, nhưng tuyệt đối không bao giờ gợi ý học trò của mình phải đi học thêm hay than nghèo kể khổ. Thời đó, ba mẹ chúng tôi chưa bao giờ phải mua quà tặng thầy cô và chúng tôi cũng không kỷ niệm ngày 20.11 bằng cách kiếm cho bằng được món quà tặng thầy cô.
Xin hãy nhìn nhận lại cái cách mà chúng ta đang đối xử với người thầy hôm nay, chính chúng ta chứ không ai khác đang tự hạ thấp mình một khi dùng tiền bạc và vật chất làm quà tặng các thầy cô. Đừng nghĩ rằng thầy cô nào cũng mong chờ quà tặng của phụ huynh, học sinh. Đừng làm tổn thương họ, những người đang làm một công việc cao quý trong xã hội: Trồng người.
Thanh Thủy (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang làm việc và sinh sống ở TP HCM
>> Bộ GD-ĐT không tiếp khách, nhận hoa nhân ngày 20.11
>> Giáo viên môn phụ chạnh lòng ngày 20.11
>> Quà lạ ngày 20.11
>> Quà tặng ngày 20.11
>> Thiết kế bình hoa tặng thầy, cô nhân ngày 20.11
>> Ngày 20.11 trong mắt các sinh viên nước ngoài
Bình luận (0)