2018, bạn làm được gì?: Mẹ 3 con bế thêm nhóc 6 tháng lăn lóc Sài Gòn

Hoài Nhân
Hoài Nhân
20/12/2018 13:06 GMT+7

2019 đã đến gần, hơn 350 ngày năm 2018 trôi qua, bạn đã làm được gì cho mình, dư giả hay thêm một số nợ? Thanh Niên bắt đầu loạt bài này với hình ảnh một người mẹ ôm 4 đứa con bán vé số. Bán vé số cái nghề phổ biến nhất trên đường phố Sài Gòn và trong hành trình cuộc sống của mình họ cũng bộn bề lo toan với những con số chi ra nơi phố thị đắt đỏ.

Từ tỉnh lẻ lên TP.HCM mưu sinh, đã nhiều năm vợ chồng chị Kiều vẫn chẳng dư dả được gì. Bốn đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn, lần lượt đến lúc phải đi học, vẫn ngày ngày theo chân mẹ bán vé số khắp nơi.
Lối vào căn trọ nhỏ xíu chỉ vừa đủ một chiếc xe máy chui lọt, nằm bên trái số nhà 11/83 Tân Thới Nhất 12 (khu phố 3, phường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) HOÀI NHÂN
Căn phòng chưa đến 10 mét vuông là nơi nương náu của 6 phận người HOÀI NHÂN
Căn gác đã có dấu hiệu mục nát HOÀI NHÂN

Một tối cuối năm, tôi tìm đến căn trọ của gia đình chị Lê Thị Kiều (SN 1981, quê Vĩnh Long) - một cảnh đời khó khăn của dân tỉnh lẻ giữa TP.HCM phồn hoa. Những cuộc điện thoại hỏi đường khiến tôi như bất lực, khi chị cứ mập mờ chẳng biết số nhà, tên đường nơi mình ở. Cuối cùng, chị phải tất tả chạy ra đầu ngõ, đưa máy cho một người dân nào đó nhờ trợ giúp.
Đến nơi, tôi mới vỡ lẽ là vợ chồng chị chẳng ai biết chữ, nên chẳng rõ tên đường tên xóm trong con hẻm ngoằn ngoèo, số nhà loạn xạ.
Trong căn trọ xập xệ, ẩm thấp là nơi che mưa che nắng cho tận 6 con người, vợ chồng chị và lần lượt 4 mụn con: Trọng Nhân (9 tuổi), Huyền Trân (7 tuổi), Ái Trân (4 tuổi), Trọng Đủ (6 tháng). Những đứa trẻ đương tuổi bay nhảy đùa giỡn ầm ĩ trong căn phòng nhỏ xíu và ngột ngạt.

Lên Sài thành thêm chút đồng ra đồng vô

Chục năm trước, chị Kiều khăn gói rời quê lên TP.HCM kiếm cái nghề mưu sinh, sau cuộc hôn nhân tan vỡ với một người đàn ông từng có với chị 2 người con. Cái nghèo khiến chị chẳng giữ được đứa con nào bên mình. Trong một lần đến khu chợ Bình Điền (Q.8), chị gặp anh Nguyễn Dân Giả (SN 1974, quê Bạc Liêu), là chồng chị bây giờ.

Mấy đứa em sống ở Sài Gòn thỉnh thoảng vẫn kêu chị Hai qua chơi, mà 4 đứa con đùm đề, đi đâu. Xoay qua xoay lại đã hết năm, chục cái Tết rồi tôi vẫn chưa dắt cháu về thăm ông bà ngoại. Không dám về, vì làm chị Hai mà không lo được cho ba mẹ…

Chị Kiều bộc bạch

“Tôi gặp ảnh, rồi thương, về sống chung chứ không cưới hỏi gì, vì cái ăn còn không đủ. Ảnh cũng dân tỉnh lẻ, lên Sài Gòn cũng chưa được bao lâu. Thấy nơi này đắt đỏ, chúng tôi đành dắt díu nhau trở về Bạc Liêu quê ảnh. Mẹ ảnh cho 2 đứa mượn miếng đất vài chục mét vuông giữa đồng, cất lên cái chòi để ở”, chị Kiều nhớ lại.
Lúc ấy, anh Giả phụ hồ, làm thuê, cứ ai kêu gì làm nấy. Chị cũng làm thuê, rồi thỉnh thoảng nhổ dăm ba củ năng tự mọc quanh nhà đi bán. Miếng đất nhỏ xíu, lại nhiễm phèn, chẳng trồng trọt được gì. Thiếu trước hụt sau, ấy vậy mà 3 đứa trẻ lại lần lượt ra đời.
“Phụ hồ ở quê được 120 nghìn/ngày, nhưng không phải ngày nào cũng có việc làm. Từ ngày sinh tụi nhỏ, bả cũng ở nhà chứ có đi đâu được. Đi phải dắt hết 3 đứa theo. Mớ củ năng bả bán cũng ba cọc ba đồng, lâu lắm mới gom về được hơn 100 nghìn. Trong khi mỗi ngày, tiền gạo, đồ ăn đã hơn 100 nghìn, sữa, thuốc men cho mấy đứa nhỏ nữa tổng cộng là 200 mấy. Ráng lắm mới dư dả được vài đồng, mà sau mỗi lần đẻ là hết sạch, phải chạy mượn tùm lum”, anh Giả nói.
Năm 2014, thấy nhiều người lần lượt rời vùng đất nghèo lên TP.HCM lập nghiệp, hai vợ chồng chị Kiều quyết định ẵm con lên TP.HCM lần nữa, thuê trọ để sống, mong thay đổi cuộc đời. Anh Giả vẫn tiếp tục phụ hồ, làm thuê, còn chị lấy vé số rồi dắt theo 3 đứa nhỏ đi bán.
Cuộc sống càng khó khăn khi 3 đứa trẻ lần lượt ra đời HOÀI NHÂN
Một lần nữa, vợ chồng chị Kiều lại dắt díu các con lên TP.HCM kiếm sống HOÀI NHÂN

Ở TP.HCM, anh Giả phụ hồ được hơn 300 nghìn đồng/ngày, cao hơn ở quê nhiều, nhưng bù lại chi phí sinh hoạt nơi đây cũng cao hơn nhiều. Anh nói: “Tháng nào có việc làm suốt thì mừng lắm! Nhưng thường một tháng chỉ làm được 10 bữa nửa tháng, hiếm lắm cũng chỉ được 20 ngày. Tôi làm từ sáng sớm đến 5 giờ chiều về. Trưa ăn cơm tiệm với mấy anh em hoặc bữa nào bả nấu kịp thì xách theo cho đỡ tốn”.

Đi đẻ, hàng xóm nhét vội tiền vào tay

Ấy vậy mà năm ngoái, chị Kiều lại phát hiện mình có thai. Tháng 6 vừa rồi thì chuyển dạ, anh đưa chị vào bệnh viện Hùng Vương. “Hàng xóm biết chuyện góp mỗi người vài trăm, nhét vội vào tay thằng Giả trước khi vợ chồng nó đi. Ngày đẻ về thì mỗi người lại gom ít thức ăn, bánh trái gì đó mang sang thăm nó. Cái hẻm này ai cũng biết vợ chồng nó khổ. Đã khổ còn đẻ nhiều nữa, thiệt khổ thêm!”, ông Phạm Tấn Thân (50 tuổi), một người hàng xóm, tặc lưỡi.
Còn anh Giả, có chiếc xe máy cũ mua 3 triệu bạc để đi làm, cũng phải vội vàng bán lại với giá chỉ hơn 1 triệu. Lần đó chị Kiều tốn hết 6 triệu đồng viện phí, may là sinh dễ. Anh Giả dắt theo hết 3 đứa con lớn vào bệnh viện, vì không bỏ chúng ở nhà được.
“Mấy cha con ngủ lang ngoài ghế đá, tắm rửa trong nhà vệ sinh, vì bệnh viện không cho con nít vào phòng sinh. Đâu có tính đẻ nữa, mà lỡ. Con mình sao bỏ được, nên đẻ luôn! Đứa đầu tôi đặt Nguyễn Trọng Nhân, vì được đứa con trai mừng lắm, nên quý nên trọng. Còn đứa này tôi đặt là Nguyễn Trọng Đủ, để nó biết tới nó là đủ rồi, đừng có em nữa”, anh Giả cười, pha trò.
 
Đứa con trai 6 tháng được anh Giả đặt tên là Đủ, vì sợ... phải đẻ thêm HOÀI NHÂN
Hằng ngày, một mình chị Kiều vất vả chăm 4 đứa trẻ HOÀI NHÂN
Miếng cơm của các con chị là những tờ vé số ít ỏi... HOÀI NHÂN
... và tình thương của hàng xóm HOÀI NHÂN
Chị Kiều cũng bắt đầu một ngày từ sáng sớm. Sau khi giục mấy đứa nhỏ dậy, chị thay đồ thay đạc rồi xách vé số đi bán, hơn 8 giờ lại về lo cơm nước, giặt giũ. Chiều xổ số xong, chị lấy vé rồi đi bán luôn, đến khoảng 18 giờ thì về. Mỗi ngày chị bán cao lắm chỉ được 70 tờ, lời được 84 nghìn đồng.

Chị chia sẻ: “Muốn lấy nhiều hơn bán cũng không được, vì không có vốn. Tôi phải nhờ một người quen lấy nhiều từ đại lý rồi chia lại để đi bán. Chị ấy cũng biết hoàn cảnh, thông cảm nên cho tôi lấy chịu, bán xong rồi mới trả tiền cho chị. Mấy hôm vừa rồi thằng út bệnh, tôi ở nhà suốt đâu có đi được”.

Chắt mót từng cắc vẫn không dư

Căn trọ cũ nát anh chị thuê có giá 1,1 triệu đồng/tháng. Tiền sữa cho bé Đủ mỗi tuần hơn 100 nghìn, dù đã chắt mót cả tuần mới hết 1 hộp. Bé Nhân được một giáo viên dạy thêm gần nhà thương, cho vào lớp để học chữ không tốn tiền. Bé Huyền Trân thấy anh biết chữ thì tỏ ra thích thú, đòi đi học. Thương con, chị Kiều xin cho bé đến lớp cùng anh, nhưng phải đóng học phí 400 nghìn/tháng.
“Làm ngày nào ăn ngày đó, cả năm không để dành được đồng nào, còn phải nhờ vào bà con hàng xóm cho cái này cái kia, thỉnh thoảng thì chùa cho gạo. Nhiều lúc mệt mỏi, nằm nghĩ cũng muốn về quê lại, nhưng mà nhớ xưa ở quê cũng có khá gì đâu. Nhà cửa không có. Đi lâu quá rồi, chắc cái chòi cũng sập. Thôi thì ở đây ráng vậy! Phải mà hồi xưa ba mẹ đặt tôi tên Dư Giả chắc giờ sướng hơn” Anh Giả lắc đầu, cười.
Bữa cơm của cả nhà nhiều hôm chỉ là mớ rau, đậu luộc HOÀI NHÂN
Người dân trong con hẻm cho biết, chị Kiều mới sinh được mấy ngày, đã đội mưa đội nắng ẵm con đi bán vé số HOÀI NHÂN
Vợ chồng chị Kiều bộc bạch, làm ngày nào ăn ngày đó, chẳng có tiền dành dụm HOÀI NHÂN
"Con ước sau này được làm công an bắt cướp. Con là anh Hai, phải kiếm nhiều tiền lo cho các em và ba mẹ", Nhân nói HOÀI NHÂN
Những đứa trẻ phải theo chân chị rong ruổi khắp nơi HOÀI NHÂN
“Mấy đứa em sống ở Sài Gòn thỉnh thoảng vẫn kêu chị Hai qua chơi, mà 4 đứa con đùm đề, đi đâu. Xoay qua xoay lại đã hết năm, chục cái Tết rồi tôi vẫn chưa dắt cháu về thăm ông bà ngoại. Không dám về, vì làm chị Hai mà không lo được cho ba mẹ… Muốn về cũng không có tiền để về”, chị Kiều bộc bạch.
Trước khi tạm biệt anh chị ra về, tôi vẫn kịp nhìn mớ đậu đũa xào còn lại trong chiếc chảo trên bếp.
“Sáng giờ tụi nhỏ ăn cơm món gì hả anh?”, tôi hỏi.
“Đậu đũa xào đó chú, với nước tương. Sài Gòn khó kiếm món này ạ nghen!”, anh Giả lại cười, pha trò.
Chị Kiều ngồi gần đó cũng cười. Không dư một cắc, thêm một mụn con 6 tháng nhưng đó là niềm vui của họ.
Họ cần nhiều hơn những niềm vui trong năm mới 2019!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.