2021 - 2025: Cải cách, sáng tạo không ngừng để bứt phá

Anh Vũ
Anh Vũ
25/01/2021 08:26 GMT+7

Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh , tiếp tục mở cửa hội nhập, chuyển đổi sang nền kinh tế số... là những mục tiêu quan trọng mà Đảng xác định để VN có thể tăng trưởng một cách bền vững và bứt phá trong thời kỳ mới.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng XIII xác định: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Để đạt mục tiêu trên, giải pháp được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số. Xây dựng nhà nước kiến tạo, chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ; nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
TS Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để đạt được các mục tiêu trên, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Ông Cung cũng lưu ý các thành quả của cải cách có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi lại, nếu quyết tâm và các nỗ lực cải cách không tiếp tục thường xuyên và đủ mạnh. Chuyên gia này đề nghị cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh; gia tăng, gia cố an toàn cũng như tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định về điều kiện kinh doanh; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tháo bỏ mọi rào cản dưới mọi hình thức.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Châu Á (ADB), giai đoạn 2021 - 2025, vấn đề cốt lõi của Việt Nam là chuyển đổi sang kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh, mặc dù đã chuyển đổi hơn 30 năm. Chính điều này đã dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế như năng suất thấp và một loạt vấn đề khác xảy ra. Do vậy, cần tiếp tục tập trung cho việc chuyển đổi này.
Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, theo ông Cường, có 3 vấn đề. Thứ nhất, phải thực chất là thị trường về đất đai; thị trường vốn, và đây là vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta cũng chưa hình thành được; về thị trường lao động phải thật sự hoạt động theo nguyên tắc của thị trường. Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân hoàn toàn năng động thì mới hỗ trợ được kinh tế Việt Nam phát triển... Để phát triển được kinh tế tư nhân thì vai trò của nhà nước là dẫn dắt, chứ không phải là quản lý. Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế. Tất cả vấn đề này có thể tạo ra nguồn lực để ứng phó với những thách thức có thể xảy đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.