21 năm vẫn chưa thu hồi được vườn sâm giữa TP.HCM

07/12/2023 13:05 GMT+7

Trường tiểu học Nguyễn Ảnh Thủ (Q.12, TP.HCM) rộng hơn 1.700 m2 xuống cấp trầm trọng trong khi khu đất vườn sâm thì sử dụng không hiệu quả, thì chưa thể thu hồi.

Sáng 6.12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM tiếp tục làm việc với phiên chất vấn Chủ tịch UBND Q.12 Nguyễn Văn Đức.

Đại biểu Lê Thị Trúc Lâm ghi nhận, Q.12 đã quan tâm phát triển mảng xanh nhưng quận chưa có công viên đúng nghĩa. Trong khi đó, dự án công viên khu đất 150 ha ở P.Thạnh Xuân, P.Thới An vẫn đang treo. Vậy giải pháp thế nào, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Chủ tịch UBND Q.12 cho biết, trên địa bàn có 30 công viên cây xanh, 101 mảng xanh công cộng. Từ năm 2021 đến nay, đã xã hội hóa phát triển 61 mảng xanh công cộng. Q.12 cũng đang chủ động phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM để phát triển 2 mảng xanh, gồm công viên 3,3 ha ở P.Thạnh Lộc và công viên 2,7 ha ở P.Tân Chánh Hiệp, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

21 năm dây dưa thu hồi vườn sâm giữa thành phố - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12 (TP.HCM) trả lời chất vấn

THÀNH NHÂN

Đối với công viên P.Thạnh Xuân, ông Đức cho biết trong năm 2022, quận phối hợp Sở QH-KT tổ chức hội thảo, mời chuyên gia góp ý về ý tưởng quy hoạch, có văn bản đề xuất UBND TP.HCM sớm triển khai các bước tiếp theo.

Về nguyên nhân chậm đầu tư, ông Đức giải thích công viên có diện tích lớn trên địa bàn 2 phường, Q.12 đã xin ý kiến giao địa phương tổ chức thi tuyển thiết kế, đề xuất điều chỉnh quy hoạch kết hợp ý tưởng quy hoạch. "Công viên cũng là tâm huyết của cán bộ, nhân dân trên địa bàn", Chủ tịch UBND Q.12 nói.

Hơn 21 năm chưa thu hồi được vườn sâm

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo đánh giá, hiện nay tình trạng đất công do Nhà nước quản lý, giao các tổ chức, doanh nghiệp quản lý nhưng không hiệu quả. "Là địa phương có quỹ đất công lớn, Q.12 đề xuất các giải pháp gì?", bà Thảo đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu nêu đích danh khu đất của Trung tâm Sâm và dược liệu (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) sử dụng không hiệu quả. Ông Hiếu đề nghị địa phương phối hợp Sở TN-MT sớm thu hồi khu đất này.

Trao đổi lại, Chủ tịch Q.12 Nguyễn Văn Đức thừa nhận địa phương có nhiều khu đất do thành phố, cơ quan Trung ương giao cho các tổ chức sử dụng, quản lý không hiệu quả. Địa phương đã chủ động thành lập các tổ kiểm tra, đề xuất giao về để xây dựng trường học.

21 năm dây dưa thu hồi vườn sâm giữa thành phố - Ảnh 2.

Bên ngoài Trung tâm Sâm và dược liệu bị lấn chiếm

SỸ ĐÔNG

Riêng khu đất Trung tâm Sâm và dược liệu, lãnh đạo Q.12 qua nhiều thời kỳ đều rất quan tâm, đề xuất thu hồi. "Khu đất này đang sử dụng không hiệu quả, trong khi Trường tiểu học Nguyễn Ảnh Thủ kế bên chỉ rộng hơn 1.700 m2, xây dựng từ năm 1990 hiện xuống cấp trầm trọng", ông Đức nói và kiến nghị thành phố, bộ ngành sớm thu hồi đất, giao về cho địa phương xây dựng trường học.

Khu đất vườn sâm rộng 10.887 m2 ở địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn, được UBND TP.HCM cấp phép cho đơn vị nghiên cứu SK5 (thuộc Bộ Y tế) từ năm 1983 để trồng, nghiên cứu dược liệu quý, thời hạn cấp phép là 10 năm. Sau đó, đơn vị nghiên cứu SK5 đổi tên lần lượt thành Trung tâm Sâm Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất sâm và dược liệu, và nay là Trung tâm Sâm và dược liệu TP.HCM.

Trong quá trình sử dụng, các sở chuyên ngành và chính quyền địa phương đánh giá vườn sâm không hiệu quả, bỏ hoang, thậm chí cho doanh nghiệp thuê lại. Đến tháng 3.2002, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất trên và tạm giao cho UBND Q.12 xây dựng trường học nhưng đến nay chưa thực hiện.

Q.12 nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM, rộng 5.274 ha với gần 740.000 dân. Chủ tịch UBND Q.12 Nguyễn Văn Đức cho biết, với đặc thù trên, nhu cầu của người dân liên quan vấn đề đất đai, xây dựng, nhà ở rất lớn. Do đó, Q.12 xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý điều hành.

Về công tác quản lý đô thị, Q.12 phối hợp Sở QH-KT đang điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 trên địa bàn quận. Thời gian qua, quận đầu tư nâng cấp 88 tuyến đường hẻm theo hình thức xã hội hóa, 44 mảng xanh tạo các điểm sinh hoạt, vui chơi, tập thể dục cho người dân.

Đặc biệt, Q.12 triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong công tác quản lý lĩnh vực tài nguyên, môi trường và đô thị để phát hiện và xử lý công trình không phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.