Sẽ có 22 chương trình, hoạt động lớn, quy mô diễn ra từ ngày 9 - 14.6, trải rộng hầu hết các thành phố, thị xã, huyện đồng bằng đến miền núi như Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Nam Trà My, Tây Giang...
Trong đó, mở đầu là hội thi hợp xướng quốc tế VN lần thứ 5 tổ chức tại Hội An (khai mạc ngày 7.6) được kỳ vọng là “một đại nhạc hội đầy cảm hứng của âm nhạc, văn hóa và tình hữu nghị” với sự tham gia của 32 đoàn nghệ thuật. Kế tiếp là liên hoan ẩm thực quốc tế; festival tơ lụa, thổ cẩm VN và thế giới; triển lãm di sản văn hóa biển đảo VN; liên hoan hô hát bài chòi các tỉnh miền Trung; festival diều quốc tế; giải lướt ván buồm vô địch thế giới, giải đua thuyền buồm VN mở rộng, festival kayak toàn quốc mở rộng...
Đây là cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá thiên nhiên đại ngàn Trường Sơn, rừng cây pơmu di sản, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, không gian trình diễn nghi thức dựng cây nêu của 20 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc VN, cùng lễ hội sâm núi Ngọc Linh mở dưới chân núi Ngọc Linh (H.Nam Trà My). Dịp này, tại Quảng Nam cũng tổ chức trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”, chương trình nghệ thuật Huyền thoại Apsara và kỷ niệm 415 năm dinh trấn Thanh Chiêm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết với festival di sản lần này, Quảng Nam mong muốn giới thiệu, quảng bá thêm các điểm đến, sản phẩm văn hóa, du lịch ở phía nam như tượng đài mẹ VN anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa Tam Thanh...
Bình luận (0)