Theo quan niệm dân gian Việt Nam, 23 tháng Chạp, nhà nào cũng có mâm cúng ông Táo về trời. Người Việt sau khi cúng tiễn ông Táo sẽ hoàn tất công việc đồng áng, tảo mộ, trang hoàng nhà cửa để đón tết.
Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), ngày 23 tháng Chạp là ngày 3 hành tinh Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất ở trên một mặt phẳng quỹ đạo, đây là lúc dân gian tin rằng cổng trời đã mở để đón ông Táo. Ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo những việc lớn nhỏ của gia chủ với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Trên bàn thờ ngày này lúc nào cũng có ba chiếc mũ mới bằng giấy có một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên tức hai ông, một bà.
|
Chuẩn bị mâm cúng ông Táo thế nào?
Một số tài liệu cho rằng, dịp cúng ông Táo, nhiều nhà không cúng cỗ mặn mà chỉ cúng hương hoa, 3 con cá chép bơi trong thau. Sau khi cúng xong, mũ được đốt, cá chép được thả xuống sông.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, mâm cúng ông Táo thường có các món ăn truyền thống như: gà luộc, xôi gấc, chân giò, trầu rượu, vàng mã và con cá chép sống đặt trong chậu nước.
Cúng tiễn ông Táo về trời phải được thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, giờ đẹp nhất là từ 9 - 11 giờ. Hiện nay, vì bận rộn công việc nên có nhà cúng ông Táo từ đêm 22 tháng Chạp, một số nhà vẫn dùng cá chép giấy.
|
Một số nơi, trong lễ vật cúng sẽ có mũ Táo Quân 3 chiếc: 2 chiếc mũ đàn ông và một chiếc mũ đàn bà.
Ngoài ra, một số nhà cúng thêm một con gà luộc, phần lớn là con gà cồ khỏe mạnh để mong con mình khỏe mạnh.
Tại sao lại có cá chép?
Tiến sĩ văn hóa Trần Long (giảng viên trường ĐH KHXH & NV) cho biết, dân gian lưu truyền nhiều dị bản liên quan đến chuyện ông Táo và cá chép.
Có chuyện kể rằng: Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên buồn phiền, hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao đánh vợ nên vợ bỏ đi. Một thời gian sau, người vợ lấy chồng khác là Phạm Lang.
Trọng Cao thấy có lỗi nên đi tìm vợ, dọc đường tiêu hết tiền nên ăn xin. Tình cờ, Trọng cao xin ăn đúng nhà của vợ chồng Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau.
Khi Phạm Lang trở về, Thị Nhi bảo Trọng Cao trốn vào đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng mà không biết có người đang trốn. Rơm cháy, Trọng Cao bị chết thiêu. Thị Nhi thấy vậy, nhảy vào đống rơm đang cháy, chết theo. Phạm Lang không hiểu chuyện gì, thấy vợ chết liền nhảy vào chết theo vợ.
Thượng Đế biết chuyện, thấy ba người đều sống có tình nghĩa nên sắc phong làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân, mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp; Trọng Cao làm Thổ Địa trông coi việc nhà cửa; Thị Nhi là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
|
|
Về cá chép vàng, dân gian truyền miệng đây là một loài động vật sống trên thiên đình, nhưng do phạm lỗi nên bị đày xuống hạ giới. Sau khi tu thành chính quả, cá chép sẽ hóa rồng và bay trở lại thiên đình.
Câu chuyện ông Táo cưỡi cá chép thể hiện mong ước của nhân dân về sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Đó là mơ ước ngàn đời của con người. Dân gian tin rằng cưỡi cá chép thì được thăng hoa, thăng tiến.
Bài cúng tiễn ông Táo
Có nhiều bài cúng tiễn ông Táo, một trong số những bài cúng có thể tham khảo:
Nam mô a di đà Phật
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Tín chủ con là:
Ngụ tại:
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Giữ tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm rằng, việc cúng kiếng chỉ cần thành tâm, mâm lễ vật và bài cúng không nhất thiết phải theo khuôn khổ.
Bình luận (0)