23 tháng Chạp: Vì sao người Việt cúng đưa ông Táo về trời?

04/02/2021 11:13 GMT+7

Cứ đến 23 tháng Chạp hằng năm, khắp các chợ đều tấp nập người đến mua cá chép sống về cúng đưa ông Táo về trời như một việc làm đi sâu vào tiềm thức. Vì sao người Việt lại phải cúng đưa ông Táo về trời?

Ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo cũng là cột mốc thời gian báo hiệu Tết đã đến rất gần. Sau khi đốt giấy tiền, vàng mã đưa ông Công ông Táo về trời, các gia đình Việt bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để mời ông bà về ăn Tết.
Có nhiều thắc mắc xung quanh câu chuyện ông Công ông Táo như: chuyện 2 ông 1 bà nhưng sao lại được dân tin thờ, nguồn gốc câu chuyện là gì… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

Ngày ông Táo về trời: chợ đông, tiểu thương Sài Gòn vẫn bán tốt dù sợ Covid-19

Ông Táo về trời bắt đầu từ đâu?

TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, cúng đưa ông Táo về trời là thói quen được truyền rất lâu đời ở Việt Nam.
Dân gian quan niệm rằng, ngày 23 tháng Chạp hằng năm phải bày mâm cúng, kèm cá chép sau đó mang đi phóng sinh để ông Táo về chầu trời, bẩm báo những chuyện trong năm qua của mỗi gia đình với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Ngày nay, có nhiều dị bản đang được truyền tai nhau về câu chuyện sự tích ông Công ông Táo về trời. Tuy nhiên, theo TS Trần Long, các dị bản đều na ná nhau xoay quanh câu chuyện 2 ông 1 bà.

Cá chép bán đắt như tôm tươi vào ngày 23 tháng Chạp

Ảnh: Độc Lập

Theo đó, bản được truyền tai nhau nhiều nhất kể về 2 vợ chồng quá nghèo khổ. Người chồng phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nhưng quá lâu không liên lạc về nhà. Người vợ chờ đợi mỏi mòn không thấy chồng về, nghĩ chồng đã mất nên đi thêm bước nữa. Lần này, người vợ lấy được người chồng mới có điều kiện kinh tế khá hơn.
Một hôm, người chồng mới đi vắng thì bất ngờ chồng cũ đi xin ăn vào trúng nhà người vợ (có dị bản lại cho rằng người chồng cũ bất ngờ trở về và cho biết do bị giặc bắt nên giờ mới trốn về được). Gặp nhau, 2 người mừng mừng tủi tủi, người vợ vội lấy cơm cho chồng cũ ăn thì bất ngờ chồng mới về.
Không kịp xử trí, người vợ kêu chồng cũ núp vào đống rơm. Không biết có người, chồng mới đốt đống rơm để đi làm đồng khiến chồng cũ chết cháy, người vợ thấy vậy lao vào đống lửa chết theo. Chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lửa nên cũng chết. Ba người sau đó được Diêm Vương cho hóa làm 3 ông đầu rau, chuyên chăm lo chuyện bếp núc trong nhà.

Nhiều người mua cá phóng sinh xong phải thuê thêm thuyền chở ra giữa sông để phóng sinh vì sợ cá bị đánh lưới khi chưa kịp lên chầu trời

Ảnh: Độc Lập

Dị bản khác lại tương truyền rằng vào đúng ngày 23 tháng Chạp, khi người vợ đang đốt vàng mã ngoài sân thì chồng cũ nhem nhuốc vào ăn xin nên người vợ động lòng, lấy tiền bạc, cơm gạo ra cho.
Người chồng mới biết chuyện, nổi cơn ghen nghi ngờ vợ. Vì quá khó xử khi đứng giữa chồng cũ, chồng mới, người vợ lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ vì vẫn còn yêu thương, đau xót cũng nhảy vào chết theo. Người chồng mới vì ân hận nên cũng nhảy vào đám lửa đỏ rực. Cả 3 đều chết cháy.
Cảm động bởi tình nghĩa sâu nặng của 3 người nên trời xanh phong làm vua bếp, trông coi mọi việc trong nhà. Từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:
"Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà"
Các tích truyện tuy có nhân vật hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có tình nghĩa. Dân gian tưởng nhớ đến 3 người nên lập bàn thờ trong bếp để 3 người cùng cai quản việc bếp núc.
Còn theo học phái Lão Tử, nói ông Công là một vị thiên thần coi việc thiện ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.
Trong Đất lề quê thói, Nhất Thanh cũng viết: “Có nhà thờ vua bếp một cỗ mũ với một đôi hia; trái lại có nhà thờ 3 cỗ mũ (hai mũ ông, một mũ bà) là do truyền thuyết kể trên. Thật ra, người ta không suy nghĩ gì về thuyết này thuyết nọ, mà chỉ biết thành kính phụng thờ, tin tưởng có thần lực uy quyền. Mỗi khi mua về nuôi súc vật thường cúng ông Công để ông phù hộ. Trong nhà có lủng củng đau yếu, nhất là đau mắt, là nghĩ đến ông Công và phải xem nom bếp núc giữ gìn có sạch sẽ không; như vậy tín ngưỡng cũng thật có ích cho vệ sinh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.