Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên, ông Hưng cho biết:
Cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức năm 2011. Đây là một cuộc thi độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Nó độc đáo bởi đối tượng dự thi là những phạm nhân, trại viên đang ở các trại giam, trại tạm giam và cơ sở giáo dục. Nó nhân văn bởi hầu hết các bài thi đều được viết theo thể loại tự truyện, nghĩa là nhân vật với tác giả là một; là người thật, việc thật, không hư cấu. Họ được quyền giãi bày tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mình không chỉ với người thân, gia đình mà với cả xã hội. Điều đặc biệt hơn là, các phạm nhân dù đang thi hành án, nhưng họ vẫn được quyền đứng tên tác giả đối với các tác phẩm của mình, khi phát hành công khai.
|
Nhu cầu viết tự truyện là của mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội chứ không là mảnh đất của riêng ai, và ông đã nghĩ tới việc viết tự truyện của các tù nhân?
Đúng thế, nhu cầu viết tự truyện không chỉ dành cho những người nổi tiếng, những chính trị gia, những thương gia, những người giàu có thành đạt, các văn nghệ sĩ, trí thức... Đây còn là nhu cầu của những người bình thường, khi không ít người càng vấp váp càng có những nỗi buồn muốn giãi bày và tôi đã nghĩ tới việc viết tự truyện của các tù nhân. Bởi cuộc đời họ có những câu chuyện đầy tâm trạng không thể thanh minh được, không nói ra được với cả nỗi oan trái thực sự, nên viết tự truyện đối với họ trong thời gian lao tù là một nhu cầu lớn của đời sống tinh thần họ.
Được biết, cuộc thi viết tự truyện dành cho các phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam năm 2011 đã có được những kết quả khá bất ngờ và nhiều thú vị, thưa ông?
|
Có thể nói cuộc thi đã đạt được kết quả vượt trên cả sự dự đoán của Ban tổ chức. Đã có tới 23.000 phạm nhân tham gia, với 2,3 vạn bài dự thi và 150.000 trang bản thảo. Trong số đó, hơn 400 bài viết đã lọt qua vòng loại của các trại giam, tạm giam và cơ sở giáo dục được gửi về cho Ban tổ chức cuộc thi. Sau khi “sơ khảo”, có 64 tác phẩm đã lọt vào vòng trong, 27 tác phẩm đã đoạt giải. Dường như cuộc thi đã đụng chạm đến một nhu cầu tự thân của nhiều phạm nhân. Đó là nhu cầu được giãi bày, kể lại, viết ra những điều chất chứa, dồn nén trong lòng, để mong nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của người thân, bạn bè và cộng đồng xã hội. Tôi đã được đến một số trại giam, trực tiếp gặp gỡ với các phạm nhân có bài dự thi đạt giải cao nhất của cuộc thi như: Trần Thị Hoàng Mai (hiện ở trại giam Thanh Xuân - Hà Nội); Đặng Văn Thế (hiện ở trại giam số 6 - Nghệ An); Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc (hiện ở trại giam số 5 - Thanh Hóa). Khi trò chuyện cùng tôi, tất cả đều không giấu giếm, thú nhận: Họ đều có nhu cầu viết về cuộc đời mình từ lâu, viết những điều mà không thể kể hết bằng lời và không tiện nói với ai. Cuộc thi này chính là dịp để họ có điều kiện thực hiện nguyện vọng ấy.
Có thể coi viết tự truyện như một liệu pháp tinh thần đối với các tù nhân để họ được giải tỏa về mặt tâm lý trong quá trình thụ án và hoàn lương trở lại cộng đồng?
Có vô vàn lý do khiến người ta phạm tội, lầm lỗi, trở thành tội phạm. Nhưng khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, thì họ thường có chung một suy nghĩ giống nhau là hối hận và hướng thiện; mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Và khi được viết tự truyện, họ không phải hư cấu, không cần tưởng tượng, cho nên cũng không có gì thật hơn, thuyết phục hơn, là chính những câu chữ do những “quái kiệt” đã phải trả giá đắt cho những lỗi lầm của mình, trực tiếp viết ra. Cuộc thi không chỉ là đợt sinh hoạt giáo dục lớn đối với phạm nhân và trại viên; mà còn mang lại niềm vui cho hàng vạn gia đình, cùng hàng vạn con người có quá khứ lỗi lầm, có thêm cơ hội, điều kiện hoàn thiện mình, đang hoàn lương để chuẩn bị tái hòa nhập với cộng đồng và quyết tâm sống có ích cho xã hội.
Nguyễn Việt Chiến
(thực hiện)
>> Sao nhí viết tự truyện
>> Chính các sao viết tự truyện?
>> Ngôi sao tuổi teen giàu nhất thế giới năm 2011 viết tự truyện
>> Leona Lewis đồng ý viết tự truyện
Bình luận (0)