233 mục bài để đời!

04/11/2015 05:57 GMT+7

Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học là tên cuốn sách gần đây nhất của PGS - Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm , người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ thầy cô và những người yêu thích và quan tâm tới văn chương.

Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học là tên cuốn sách gần đây nhất của PGS - Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm, người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ thầy cô và những người yêu thích và quan tâm tới văn chương.

Cuốn sách là tuyển tập các bài viết quan trọng và có ý nghĩa mà thầy đã viết trong nhiều thời điểm khác nhau, bao gồm 233 mục bài, với phổ quan tâm rộng, từ vấn đề văn học và tiếng Việt trong nhà trường, những vấn đề văn học, giáo dục cho đến những tưởng niệm, hoài niệm có tính chất riêng tư - gợi nhớ những kỷ niệm ý nghĩa và thú vị của tác giả với những người thân yêu, những người và những đồng nghiệp thân thiết...
Với 103 bài viết về những vấn đề giáo dục, người đọc có thể nhận ra hình ảnh tác giả, một người dường như chưa bao giờ dừng tâm huyết và trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà. Vốn là một nhà giáo, đồng thời cũng là người đã nhiều năm làm việc trong tư cách người quản lý ở các cơ sở đào tạo, được chứng kiến những thăng trầm của ngành giáo dục, tác giả trăn trở với nhiều vấn đề của nền giáo dục VN, từ giáo dục ở bậc phổ thông cho đến đại học và trên đại học, từ những vấn đề có tính vĩ mô đến những vấn đề vi mô, “bếp núc” của ngành. Ở mức độ vĩ mô, đó là những bài viết với những suy tư sâu sắc về mối quan hệ giữa giáo dục với văn hóa và con người, là vấn đề chất lượng giáo dục và cải thiện chất lượng giáo dục, là vấn đề nền giáo dục VN trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mô hình cần thiết cho nền giáo dục thế kỷ 21... Ở mức độ vi mô, đó là những suy tư hết sức cụ thể, thấm thía về những nhân tố hay hoạt động cụ thể trong tổng thể nền giáo dục VN, như chuyện người thầy, chuyện tuyển sinh, về sách giáo khoa, đạo đức trong nhà trường, sự chính danh trong ngành... Dù ở mức độ nào, dù là chuyện có tính chất quốc sách hay chuyện gần gũi, thường nhật trong ngành, các bài viết đều xoay quanh và nhất quán một cốt lõi tâm tư về một nền giáo dục mang màu sắc dân tộc và đậm chất nhân văn.
Với những vấn đề của văn học, qua 92 bài viết, người đọc lại nhìn thấy ở tác giả sự uyên bác đáng ngưỡng mộ của một nhà khoa học lớn. Ở đó, bao vấn đề của văn chương được đặt ra, xới lên, nhìn nhận lại, từ những vấn đề của lý luận và phê bình văn học đến thực tiễn sáng tạo, từ văn học quá khứ đến hiện đại, từ văn học VN đến nước ngoài. Nhưng dù đó là vấn đề gì, với tác giả, khởi đầu và mục đích tối hậu của văn chương vẫn phải là “ý thức và lương tâm của văn học”, là cái đẹp và giá trị nhân văn cao cả. Với tinh thần ấy, phần Văn học và tiếng Việt trong nhà trường (phần 3, với 24 bài) có ý nghĩa như những lời “mách nước” bổ ích đối với những người dạy văn, để làm sao trong nhà trường văn phải ra văn và tiếng Việt phải ra tiếng Việt, đích đến luôn phải là chân - thiện - mỹ.
Giờ thầy đã đi rồi, xa xăm bên kia cõi tục nhưng lời nói của thầy trong cuốn sách này “Đối với tôi, văn học và giáo dục là hai vòng nguyệt quế của Tổ quốc VN và hai nguồn tin yêu và hạnh phúc của cuộc đời tôi” thì vẫn còn đó, rất gần và ấm áp. Đọc sách của thầy là đọc nguyên khối tâm huyết và những ưu tư đầy trách nhiệm của một nhà giáo dục và một nhà khoa học đáng kính của khoa học nhân văn. Nghĩa là ta đang đọc một tấm lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.