Bạch Long Vĩ hôm nay thật xanh tươi. Trước biển, rặng phi lao ôm lấy những ngôi nhà mái bằng tựa vào nhau để tránh gió. Trên cao, ngọn đèn biển với lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền trời xanh. Ngắm nhìn cảnh đẹp ấy, anh Nguyễn Văn Hậu, Liên đội trưởng TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ bồi hồi nhớ lại: “Mùa xuân năm 1993, khi chúng tôi đặt chân lên đảo, cả đảo chỉ có vài cây bàng, còn lại chỉ thấy xương rồng. Khu dân cư này hồi ấy là bãi cát sỏi, thông thống nhìn ra biển”.
Nhiệm vụ đầu tiên của TNXP là xây nhà để ở. “Thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt. Tháng 3 mà nắng chói chang, phải làm việc từ 5 giờ sáng, đến 9 giờ là phải nghỉ. Chiều thì 15 giờ mới có thể ra công trường; cát, sỏi dưới chân nóng như rang, giày bảo hộ chỉ đi vài hôm đã thủng. Anh Hậu vừa kể vừa dẫn chúng tôi bước đi trên con đường xuyên qua “khu phố” sầm uất nhất huyện đảo, nối trụ sở Liên đội TNXP đến khu trường học, bên đường vẫn còn 5 ngôi nhà đầu tiên do TNXP xây dựng để đón 5 hộ dân đầu tiên với 20 nhân khẩu ra đảo sinh sống.
Công việc khó khăn nhất trên đảo thời ấy là cải tạo đất và trồng cây. Các TNXP cùng bộ đội phải lên đồi cuốc đất san lại nền đất vốn toàn cát sỏi. Cả đảo chỉ có chiếc xe công nông, mọi công việc đều dựa vào sức người nhưng hàng nghìn m3 đất đã được chuyển xuống san lấp bãi đá. Có đất rồi, việc trồng cây cũng không hề dễ vì gió ở đây luôn thổi mạnh như gió bão. Có khi trồng vài chục cây nhưng chỉ sống được vài cây. “Phi lao là cây chịu gió nhưng khi còn nhỏ cũng phải trồng lẫn vào cỏ để tránh gió. Kinh nghiệm này sau đó được áp dụng để trồng rau. Bây giờ, khoảng 35% diện tích đảo đã được phủ xanh nhờ nỗ lực không ngừng của các TNXP”, anh Hậu nói.
“Vẫn ra đảo như ngày xưa đã chọn”
Trong số 62 TNXP ra đảo hồi ấy, quá nửa là nữ. “Chúng tôi không sợ đói, sợ khổ, chỉ sợ thiếu nước. Trên đảo mưa ít mà nước bốc hơi nhanh, nước ngầm cũng không có, đào sâu 4 - 5 m vẫn không thấy nước. Cái Bích (bà Nguyễn Thị Bích, 47 tuổi, Phó bí thư H.Bạch Long Vĩ, là 1 trong 62 TNXP đầu tiên ra đảo - PV) hồi ấy thường phải trèo xuống giếng lấy nước tắm, nhưng khi dội lên người thì thấy lạo xạo, hóa ra toàn cát và tạp chất”, bà Lê Thị Hân (54 tuổi, 1 trong 62 TNXP đầu tiên ra đảo) tủm tỉm kể.
Bà Hân có mái tóc dài, đen nhánh và cái miệng hay cười, là hoa khôi của TNXP, lại hát hay nên nhiều lần đạt giải các cuộc thi văn nghệ của thành phố. Thế mà khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, bà vẫn lẻ bóng. “Ở đây có nhiều điều để lo hơn là bản thân mình, nhưng chưa bao giờ tôi hối tiếc điều gì cả. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn ra đảo như ngày xưa”, bà Hân nói.
tin liên quan
Hải trình tháng 3Tháng 3, nhóm phóng viên Thanh Niên thực hiện “Hải trình tháng 3” - có mặt ở các đảo Thanh niên để hiểu thêm về những cư dân thanh niên không ngại gian khổ...
Theo ông Hòa, trên đảo có nhiều hộ TNXP làm kinh tế giỏi, điển hình là gia đình anh Vũ Văn Luyện và chị Vũ Thị Lan Phương, những TNXP đầu tiên ra đảo. Anh Luyện viết đơn xung phong ra đảo khi đang làm cán bộ xã Quang Phục (H.Tiên Lãng, Hải Phòng). “Ở đảo lâu ngày thành quen, về đất liền là nhớ. Có đợt thiếu nước quá, phải về đất liền 2 tháng mà phát ốm vì nhớ đảo”, anh Luyện nói. Anh Luyện cho biết, mỗi năm anh nuôi được 5 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 15 con và bán rất đắt hàng cho người dân trên đảo và ngư dân. Ngoài ra, vợ chồng anh còn nuôi gà, chim bồ câu, nấu rượu.
“Ở đây làm nghề cá là phất nhất, nhưng mình không có nghề cá thì nuôi lợn, nấu rượu, cung cấp đồ cho người làm nghề cá. Cứ chăm chỉ là có hết”, anh Luyện nói. Vợ chồng anh Pham Văn Hiển và chị Phạm Thi Huê đã đầu tư hệ thống lọc nước, tổ chức sản xuất và kinh doanh nước tinh khiết để ổn định đời sống trên đảo.
Đáng mừng hơn, những người con của các cặp vợ chồng TNXP trên huyện đảo đều chăm ngoan, học giỏi. Nhiều em đã đỗ đại học như Nguyễn Đức Anh (con trai anh Hậu) học ĐH Kinh tế quốc dân, Vũ Thuý Anh (con gái anh Luyện) đang học ĐH Bách khoa, Phạm Văn Anh (con trai anh Hiển) đang là sinh viên ĐH Y dược Hải Phòng. Rồi đây, các em sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng đảo tiền tiêu của cha anh.
Lực lượng TNXP đảo Bạch Long Vĩ đã triển khai 11 dự án, với tổng mức đầu tư 73 tỉ đồng. Trong đó có các công trình cải tạo khu TNXP, nâng cấp nhà ăn thành hội trường, nhà khách 2 tầng, xây dựng 15 căn hộ; xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà trẻ, mẫu giáo khu TNXP; hệ thống sân, đường nội bộ, nhà bán vé tàu cao tốc Bạch Long; trồng 53 ha rừng phòng hộ, bảo vệ và chăm sóc 128 ha rừng; tham gia dự án trồng mới trên 1 vạn cây, khóm cây ăn quả trên toàn đảo; triển khai nuôi thí điểm bào ngư…
|
Bình luận (0)