25 năm viết dặm dài lịch sử thành phố

12/02/2023 07:06 GMT+7

Đầu năm 2023, thú thật, không riêng gì tôi, bất kỳ những ai quan tâm đến Sài Gòn - TP.HCM đều phải chú ý đến bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử của nhà sử học Nguyễn Đình Tư vừa ấn hành.


Bộ sách này gồm hai tập: tập 1, giai đoạn từ năm 1698 đến năm 1945, dày 792 trang; tập 2, giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2020, dày 896 trang. NXB Tổng hợp TP.HCM cũng đã quyết định in khổ 20,5x29 cm, bìa cứng như một cách giúp bạn đọc có thể lưu trữ lâu dài.

KIÊN TRÌ ‎CHỜ "THUẬN DUYÊN"

Nhà sử học Nguyễn Ðình Tư cho biết trước năm 1998 qua thông tin báo chí, cụ biết TP.HCM sẽ tổ chức kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Cụ đã viết bản đề cương cuốn sách sẽ thực hiện về chiều dài lịch sử 300 năm (1698 - 1998), sau đó gửi qua bưu điện đến GS Trần Văn Giàu với lời thưa: "Nếu GS thấy được thì đề nghị giao cho Hội Sử học hay một hội, đoàn, cơ quan nào khác dùng bản đề cương này làm tài liệu tham khảo, lập một bản đề cương khác hoàn chỉnh hơn để viết cuốn sách nói trên".

25 năm viết dặm dài lịch sử thành phố - Ảnh 1.

Bìa tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử

Ít lâu sau, cụ nhận thư mời của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mời đến ký hợp đồng thực hiện quyển sách theo đề cương của cụ. Ròng rã thời gian dài miệt mài theo từng con chữ, bản thảo dày 1.500 trang đánh máy đã được cụ gửi về cho trung tâm nghiệm thu; và được NXB Giáo Dục tiến hành in, phát hành đúng vào năm 1998. Mọi việc diễn ra tưởng suôn sẻ, mọi công đoạn in ấn đã đâu vào đó nhưng vào "phút 89", cụ dùng một từ rất thú vị là "trở duyên". Vậy, là… xong. Bản thảo chỉ là bản thảo.

25 năm viết dặm dài lịch sử thành phố - Ảnh 2.

Nhà sử học Nguyễn Đình Tư (trái) tại cuộc trò chuyện Trăm năm sử Việt

QUỲNH TRÂN

Về sự "trở duyên" này, tôi đã hiểu, đã biết khi nghe lời tâm sự của cụ trong chương trình Trăm năm sử Việt, đại khái khi nghiên cứu lịch sử, có những vấn đề chưa được công bố trong thời điểm đó và phải nhẫn nại chờ đợi. Và, cứ thế, trong lúc chờ đợi thời điểm "thuận duyên", cụ lại tiếp tục viết, bổ sung thêm nhiều, rất nhiều tài liệu khác nữa.

Ðến nay, công trình này đã hoàn thành, vừa được xuất bản. Cầm lấy bộ sách khá nặng tay, tôi tò mò đặt lên bàn cân mới biết nặng đến 3,4 kg. Không chỉ niềm vui cho nhà sử học nặng lòng với vùng đất Sài Gòn - TP.HCM, mà trong chừng mực nào đó, ta cũng tìm thấy sự đổi mới trong lãnh vực nghiên cứu sử học khi nhìn nhận lại, đánh giá lại từng sự kiện, từng chi tiết….

Tập hợp khái quát ‎đầy đủ về Sài Gòn - ‎Gia Định - TP.HCM

Sự tâm đắc lớn nhất của người đọc dành cho bất kỳ bộ sách nào vẫn là lúc tìm thấy trong đó nhiều thông tin xác đáng, mới mẻ. Ở bộ sách Gia Ðịnh - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử tất nhiên có điều đó nhưng tôi tin rằng bạn đọc còn sẽ hài lòng khi nhà nghiên cứu đã nhọc công sắp sếp các đề mục, chủ đề có hệ thống, khoa học. Thí dụ, về sự hình thành của vùng đất này, bạn đọc được dẫn dắt đi từ Thời tiền sử đến Lưu dân người Việt. Sau đó, Thời chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn với các tiết mục đề cập đến như bộ máy cai trị, tổ chức đơn vị hành chánh, an ninh quốc phòng, mở mang nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải - bưu chính, tiền tệ, văn hóa, giáo dục, tôn giáo… Nhìn chung, các hoạt động này trong mỗi giai đoạn lịch sử từ buổi ban đầu đến năm 2020 đều rõ ràng, chi tiết, chính vì thế bộ sách này ngồn ngộn thông tin.

Có những thông tin về sinh hoạt đời thường của người dân, trước đây ta biết loáng thoáng, nay cụ đã hệ thống lại từ tên gọi đến cung cấp địa chỉ cụ thể, thí dụ, chỉ sau năm 1954 tại vùng đất này đã có thêm 214 nhà thờ: "không kể số nhà thờ và tu viện đã có từ thời Pháp thuộc" (T.I, tr.293). Việc đổi tiền; đổi tên cũ đặt tên mới các con đường thành phố; tên sông, rạch, kênh; đình trên địa bàn TP.HCM… cũng được cập nhật. Riêng về rạp chiếu bóng, một loại hình nghệ thuật quen thuộc của người Sài Gòn, theo liệt kê chi tiết của cụ thì từ năm 1954 - 1975 có cả thảy 54 rạp - một con số không nhỏ - đã phản ánh sinh động nét sinh hoạt của một thời.

25 năm viết dặm dài lịch sử thành phố - Ảnh 3.

Hình ảnh Nhà thờ Đức Bà trước năm 1975. Đây là công trình gắn với lịch sử phát triển của TP.HCM

TL

Nhìn chung, nhà sử học Nguyễn Ðình Tư khi biên soạn bộ sách này có "tham vọng" chạm tới mọi lãnh vực, vì thế phải xử lý một khối tư liệu rất dồi dào. Trong phần tài liệu tham khảo, không kể sách nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Hán Nôm dịch sang chữ Quốc ngữ thì còn có đến 214 tập sách tiếng Việt. Mà, cũng do đề cập đến tất cả nên có những vấn đề cụ chỉ nêu ra một cách khái quát, chứ không chuyên sâu. Ðiều này bình thường, bởi với cấu trúc của đề cương biên soạn là cụ mong muốn: "Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà các cơ quan, cán bộ, công chức, các gia đình trong thành phố nên có, để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa" (tr.6).

Sau khi đọc, tôi ngẫm ra nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Tư đã hoàn thành ý nguyện này. Có thể xem đây là một tập hợp đầy đủ, đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu khái quát về các lãnh vực tại Sài Gòn - Gia Ðịnh - TP.HCM từ năm 1698 đến năm 2020.

Bên cạnh đó, cũng từ bộ sách này, với tôi còn là tâm đắc thêm một điều: Nếu Ðịa chí văn hóa TP.HCM (3 tập) do GS Trần Văn Giàu - Trần Bạch Ðằng - GS Nguyễn Công Bình chủ biên đã quy tụ nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong nhiều lãnh vực thì ở đây mỗi một nhà sử học Nguyễn Ðình Tư đảm nhiệm. Không phải so sánh, mà ý tôi muốn nhấn mạnh rằng, một khi đã toàn tâm toàn ý cho một công trình nghiên cứu thì cá nhân người đó cũng có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Nói ra điều này không thừa đâu, tôi nghĩ những người trẻ hiện nay đam mê sử học đọc bộ Gia Ðịnh - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử càng vững tin hơn về con đường đã chọn - khi biết được việc làm bền bỉ, nhẫn nại và có tâm của nhà sử học Nguyễn Ðình Tư.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.