256 giáo viên Hà Nội kêu cứu trước nguy cơ mất việc

27/03/2019 19:31 GMT+7

256 giáo viên tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đồng loạt gửi đơn kêu cứu trước nguy cơ sắp mất việc, trong đó có nhiều người là giáo viên dạy giỏi, phụ trách đội tuyển học sinh giỏi, nhiều người đã cống hiến 20 - 30 năm trong ngành.

Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố vẫn trượt thi viên chức

Hoang mang và tuyệt vọng, 256 giáo viên tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đồng loạt gửi đơn kêu cứu tới các cấp lãnh đạo và báo chí, trước nguy cơ sắp mất việc vì một kỳ thi tuyển vào "biên chế".
Trong đơn kêu cứu gửi lãnh đạo các cấp, 1 trong 15 giáo viên hợp đồng đang công tác tại Trường THCS Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), viết: "15 năm sau khi ra trường, chúng tôi đã có 6 năm hợp đồng trường và 9 năm hợp đồng huyện. Trong số 15 người, có người là giáo viên cốt cán đào tạo đội ngũ học sinh giỏi của huyện tham gia thi thành phố năm nào cũng đạt giải cao, thậm chí đạt 10/10 học sinh, được chọn là tấm gương “người tốt việc tốt” của Thủ đô năm 2014 như chị Nguyễn Hương Trà; nhiều anh chị em đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt chiến sĩ thi đua, có học sinh đạt giải quốc gia, đặc biệt luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhà trường giao phó".
Nhiều giáo viên bật khóc vì hàng chục năm gắn bó, phấn đấu với nghề nhưng nay đứng trước nguy cơ mất việc Ảnh LÊ DUY
Cô Vũ Thị Yến, giáo viên Trường tiểu học Phú Minh, cho hay cách đây 20 năm cô tốt nghiệp Trường CĐ sư phạm Hà Nội, 10 năm hợp đồng với trường ở cách xa nhà 13 - 14 km, lương thời đó là 100.000 - 200.000 đồng/tháng nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Sau đó, cô được ký hợp đồng huyện 9 năm, năm nào cũng có học sinh thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Tuy nhiên, cô Yến cho biết đã 1- 2 lần đi thi “vào biên chế” nhưng đều trượt và cô cũng xác định sẽ không tham gia kỳ thi trước mắt vì nếu thi vẫn sẽ trượt. “Người thi trượt như tôi vẫn phải làm những nhiệm vụ chuyên môn chính, bồi dưỡng học sinh giỏi trong trường”, cô Yến chia sẻ và tha thiết mong được xét đặc cách để tiếp tục công việc giảng dạy.
Cùng tâm trạng, thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Phú Minh, tâm sự: "Giáo viên tiếng Anh rất dễ kiếm việc làm khác, nhưng thời điểm đó chúng tôi vẫn quyết tâm gắn bó với nghề dạy học".
Thầy Hùng cho rằng, là giáo viên hợp đồng nên các thầy cô phải rất cố gắng, thậm chí cố gắng bằng 200%, bản thân thầy Hùng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm, giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện, giải ba cấp thành phố năm 2013.
Năm nào thầy Hùng cũng được phân công bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cấp thành phố và năm nào học sinh của thầy cũng giành giải. Ngay trong năm nay cũng có 4 học sinh của thầy đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố.
Do vậy, khi nhận được thông tin nguy cơ cắt hợp đồng nếu không đỗ kỳ thi viên chức, bản thân thầy Hùng cảm thấy thất vọng nhiều hơn là buồn. “Vì chúng tôi đã cống hiến như vậy nhưng chỉ được đánh giá qua 1 bài thi, mà thi cử thì không nói trước điều gì. Một bài thi quyết định số phận của một con người như vậy liệu có nên không? Nếu trước đây còn trẻ chúng tôi có thể chuyển sang nghề khác để làm, nhưng giờ, nếu đánh đổi cả cuộc đời chỉ qua một kỳ thi thì không ổn lắm”, thầy Hùng nói.

Hơn 20 năm được đánh giá năng lực tốt vẫn không bằng một bài thi?

Cô Lê Thị Thu Nguyệt, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội Trường THCS Minh Phú, cho biết suốt 24 năm công tác trong nghề nhưng chưa một lần được thi để vào “biên chế” vì lý do không có biên chế tuyển giáo viên dạy văn THCS của huyện.
Mặc dù vậy, cô Nguyệt cho biết vẫn liên tục phấn đấu, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, là giáo viên giỏi, 2 lần được đặc cách tăng lương trước thời hạn vì các thành tích đóng góp, được bầu là tổ trưởng tổ chuyên môn của trường.
Cô Nguyệt nêu quan điểm: “Năng lực của chúng tôi được ghi nhận bằng những danh hiệu và khen thưởng như vậy. Chúng tôi mong nhà nước có chế độ khác chứ không đẩy chúng tôi thi cùng với sinh viên mới ra trường. Năng lực của nhà giáo phải thể hiện bằng kết quả dạy học, bằng chất lượng của học sinh, chẳng lẽ lại không bằng một bài thi lý thuyết hay phỏng vấn?".
Cô Nguyệt cũng cho rằng, thực tế có những đồng nghiệp của cô đã đỗ ở kỳ thi đó nhưng làm việc lại không thể hiện được năng lực thực sự, học sinh không tin yêu bằng những giáo viên hợp đồng.
Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên dạy tiếng Anh Trường tiểu học Thanh Xuân A, cũng chia sẻ cô tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội vào thời điểm huyện này đang rất thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ. Thậm chí, lúc đó cô phải ký cam kết không bỏ nghề với nơi đào tạo.
Cô Nguyễn Thu Hiền (giữa) là giáo viên giỏi nhưng thi vào "biên chế" vẫn trượt Ảnh LÊ DUY
Tuy nhiên, không phải vì thiếu giáo viên mà chất lượng giáo viên không tốt, bản thân cô Hiền từng đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2013, toàn thành phố phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền. Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.
Năm gần đây nhất cô Hiền thi vào trường THPT. Cô có rất nhiều lợi thế như bằng đại học loại giỏi được cộng 10 điểm; điểm soạn giáo án, giảng dạy đều đạt cao nhất, nhưng đến vòng phỏng vấn thì điểm lại thấp và bị trượt.
Theo cô Hiền, kỳ thi viên chức trở thành nỗi ám ảnh với cô, vì 20 năm trong nghề chứng minh được năng lực, nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu, nên nếu thi không đỗ sẽ cảm thấy rất xấu hổ với đồng nghiệp và học sinh, vì vậy lần này nếu phải thi nữa cô không đủ… can đảm.

Huyện đã có văn bản xin đặc cách, nhưng…

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết năm nay, thành phố thi tuyển viên chức, tất cả các đối tượng đều phải thi 2 vòng: trắc nghiệm trên máy tính và thi chuyên môn. Như vậy, số giáo viên hợp đồng sẽ gặp bất lợi, nhất là với môn tin học và ngoại ngữ, nên họ có nguyện vọng được tuyển dụng đặc cách. Hiện nay, tiêu chuẩn viên chức bắt buộc phải có các yêu cầu tối thiểu về tin học và tiếng Anh, kể cả họ không sử dụng đến. Cách thức thi tuyển cũng đã được Bộ Nội vụ quy định.
Tuy nhiên, theo Nghị định 161 của Chính phủ thì họ không thuộc đối tượng được tuyển dụng đặc biệt. Hiện theo quy định của luật Viên chức thì sau khi thi tuyển những vị trí đã có quy định thi tuyển, sẽ không cho phép được ký hợp đồng vào làm việc ở các vị trí chuyên môn. Nếu giáo viên dù thi hay không thi mà số lượng tuyển dụng đã đủ ở vị trí ấy thì sẽ phải cắt hợp đồng với họ. “Lâu rồi thành phố mới một đợt tuyển dụng và thành phố yêu cầu tất cả các chỉ tiêu thiếu hiện nay đều phải thi”, ông Mạnh nói.
256 giáo viên ở huyện Sóc Sơn đang ở trong tâm trạng lo lắng, hoang mang Ảnh T.HÙNG
Ông Mạnh cho biết, UBND huyện đã có văn bản báo cáo thành phố xin tuyển dụng đặc biệt. Nghị định cũng không nói là có thâm niên công tác thì được cộng điểm hay ưu tiên gì cả, chỉ có tuyển dụng đặc biệt thôi. Thành phố trả lời là vượt quá thẩm quyền của thành phố. Đối với những người đã có trên 20 năm công tác, đủ điều kiện để nghỉ hưu, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho nghỉ hưu (hiện có khoảng 30 người).
Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Sở Nội vụ và Sở cho biết nếu muốn đặc cách sẽ phải báo cáo Thủ tướng và thay đổi cả nghị định nữa.

Hè năm 2019 sẽ thi và có kết quả

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết theo lịch trình, ngày 13.4 tới sẽ hoàn thành việc đăng ký tuyển dụng. Trong dịp nghỉ hè, thành phố sẽ tổ chức thi, kết quả sẽ có trước năm học mới, nên ai đỗ, ai phải cắt hợp đồng cũng sẽ biết trong thời gian này.
Mặc dù vào năm học mới, do số học sinh đông, có thể một số trường vẫn phải tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng, nhưng số lượng sẽ không thể nhiều như bây giờ và chế độ cũng không bằng.
Hiện, số giáo viên này có người được thành phố ký hợp đồng, người được huyện ký, còn sau này chỉ ký với trường thôi, và thời hạn hợp đồng cũng không thể lâu dài, năm học nào cần giáo viên thì họ ký năm đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.