Tuổi 26 vẫn trẻ dù có không ít điều nhìn lại để suy ngẫm và cũng có vô số điều phải thực hiện cho tương lai trên cái nền ổn định và năng động.
Hiệu quả báo chí được đánh giá chủ yếu ở hoạt động nội dung báo chí với tôn chỉ, mục đích, với quan điểm và cách thức trong việc cung cấp thông tin. Sự sống còn của tờ báo nằm trong chất lượng của thông tin và việc cân nhắc thông tin đó có phù hợp, có được bạn đọc quan tâm, ủng hộ hay không. Ở một góc nhìn khác, chất lượng thông tin còn ở chỗ, khi thực hiện tin, bài, hình ảnh, người làm báo đã đứng ở đâu để ghi nhận, bình luận, thậm chí là biểu dương hoặc phê phán. Ở Báo Thanh Niên, cả với các kênh thông tin tiếng Việt hay bằng tiếng Anh, chúng tôi luôn dặn dò nhau rằng, chỗ đứng của người làm báo là ở “trong cuộc”, không đứng “trên”, không đứng “ngoài” sự kiện cùng những nhân vật tạo ra sự kiện ấy. Tâm thế ấy lâu nay đã được thể hiện qua tính khách quan, nhiều chiều và thái độ “chống mà xây, xây mà chống”, dù không phải lúc nào cũng tròn đầy do nhận thức hoặc cách thức tiếp cận cụ thể, song đã được khẳng định từ trong những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, những vấn đề phức tạp trong đấu tranh chống nạn tham nhũng, quan liêu, suy thoái đạo đức và các tiêu cực xã hội, những vấn đề nhạy cảm về chủ quyền biển đảo, về tài chính - ngân hàng thời suy giảm kinh tế...
|
Không thể thiếu lời cảm ơn những cộng tác viên trang nội dung đã dày công đóng góp cho nhiều thể loại thông tin, bình luận phong phú, sâu sắc dưới nhiều góc nhìn có tính chuyên nghiệp.
Kết quả kinh tế báo chí là thước đo thương hiệu tờ báo, nói cách khác là giá trị của từng sản phẩm báo chí trong thị trường truyền thông. Trong hoàn cảnh kinh tế chung không thuận lợi, chúng tôi vẫn ngày càng được sự ủng hộ nhiều hơn của bạn đọc - ngay cả trong hoàn cảnh buộc phải tăng giá báo. Điều này chưa từng xảy ra trong những lần báo tăng giá trước đây. Tín hiệu này mang tính động viên rất cao, cho thấy sự ổn định trong việc đáp ứng được nhu cầu đa dạng, phong phú của người mua báo, ngay cả trong thời kỳ đầu bùng nổ thông tin điện tử đa truyền thông miễn phí. Câu chuyện với doanh nghiệp, doanh nhân là khách hàng của báo cũng đã không dừng lại ở chỗ thuận mua, vừa bán mà còn là sự động viên, những tư vấn cần thiết để cùng nhau vượt khó, vươn lên. Chính sách đãi ngộ nhà báo tại Thanh Niên cũng nhiều lần được điều chỉnh phù hợp, góp phần cho việc bảo liêm nghề báo và là động lực để guồng máy hoạt động hiệu quả.
Không thể thiếu sự cảm tạ những khách hàng quảng cáo, khách hàng phát hành và đông đảo bạn đọc đã gắn bó, chung tay, chung lòng từ bấy lâu nay.
Hoạt động sau mặt báo, một thế mạnh đặc trưng dọc suốt hành trình của Thanh Niên trong nhiều năm qua vẫn được duy trì có hiệu quả; từ các chương trình phục vụ cho nhiệm vụ công tác Đoàn, Hội LHTN đến các hoạt động lớn nhằm hỗ trợ cộng đồng; từ kế hoạch xã hội - từ thiện, chăm lo cho người trẻ đến các thương hiệu mạnh về văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Đã có sự định hình giá trị những sự kiện truyền thống của báo, và vẫn có những chương trình mới với độ lan tỏa ngày càng cao. Sự khẳng định của tờ báo trong tính nhận diện, thân thiện với cộng đồng xã hội đã qua đó mà tăng lên.
Không thể thiếu sự cảm kích với các nhà tài trợ, hỗ trợ cùng những mạnh thường quân luôn đồng hành với Thanh Niên cho những điều nhân nghĩa ấy.
Hai mươi năm trước, cả tờ báo chưa đầy 30 người. Nay, ở tuổi 26, Thanh Niên đã xấp xỉ nhân lực gần 500. Việc tiếp cận và đầu tư phát triển đa truyền thông trên website, trên thiết bị nghe nhìn và thiết bị cầm tay thời gian tới chắc chắn sẽ cần sự mở rộng về lượng cũng như về chất của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Việc không ngừng cải tiến các ấn phẩm thường nhật và định kỳ cũng như chất lượng và kỹ thuật các website, việc đào tạo và đào tạo lại lực lượng tác nghiệp kể cả về nội dung báo chí và kinh tế báo chí cùng với việc xây dựng các cơ ngơi mới, đầu tư trang thiết bị mới sẽ nhanh chóng được tiến hành vì nhu cầu ổn định và phát triển.
Thuở sinh thời, nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng cho rằng: "Tuổi 20 của một tờ báo thật ra không phải quá dài - nhiều báo ở nước ta, tuổi đáng bậc cha chú, đàn anh của Báo Thanh Niên. Nhưng tuổi 20 của Báo Thanh Niên chứng tỏ sức sống của một tờ báo chấp nhận thử thách, kiên định và nghiêm khắc chứ không dễ dãi". Hành trình của một con thuyền trên dòng thời sự có những lúc trải qua sóng to, gió lớn, đòi hỏi người làm báo phải bền tay chèo hướng về phía trước. Phía trước ấy có bề dày truyền thống khi tờ báo mạnh mẽ khẳng định suốt từ thời kỳ đầu công cuộc Đổi mới, với tiếng nói trẻ trung, tâm huyết và trách nhiệm. Phía trước ấy cần sự gia cố nội lực để ngày càng chín chắn mà giữ cho ngòi không cong, bút chẳng tà. Tất cả xuất phát từ bền chặt tâm niệm phải đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn nữa cho đất nước, cho tuổi trẻ và đáp ứng được nhiều hơn nữa sự tin yêu của bạn đọc gần xa.
23.038.248.503 đồng Đó là tổng số tiền mà Báo Thanh Niên đã vận động và phân phối cho các chương trình hoạt động xã hội - từ thiện trong năm 2011. Trong đó, Báo đã trao 921 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (17 đợt) với tổng số tiền 2.010.000.000 đồng cho học sinh - sinh viên nghèo hiếu học; xây dựng 100 ngôi nhà nhân ái cho các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ với kinh phí 3 tỉ đồng; trao tiền hỗ trợ đời sống và xây 25 căn nhà cho ngư dân trong chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi trị giá 2,4 tỉ đồng; giúp đỡ nạn nhân động đất và sóng thần Nhật Bản với số tiền bạn đọc đóng góp là 2.591.637.600 đồng; giúp chi phí mổ tim cho 24 trẻ em trong chương trình Trái tim trẻ thơ với số tiền 184.425.798 đồng; tổ chức vận động và cứu trợ đồng bào lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung với số tiền 580 triệu đồng, Chương trình Áo ấm mùa đông đã tặng 1.500 áo ấm cho học sinh vùng cao... Báo Thanh Niên cũng đã phối hợp với Công ty CP thực phẩm Á Châu tặng quà tết cho trẻ em nghèo trên cả nước, với tổng trị giá chương trình dự kiến là 5 tỉ đồng. Ngoài ra, từ nhiều trường hợp ngặt nghèo, thương tâm do phóng viên, cộng tác viên của báo phát hiện và viết bài, Báo Thanh Niên đã nhận được tấm lòng sẻ chia của bạn đọc với số tiền 1.646.870.000 đồng và đã trao cho 52 trường hợp. Bên cạnh đó, từ nhiều bài viết đăng trên báo, bạn đọc cũng đã đóng góp 1.223.343.605 đồng để giúp đỡ các trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ em mồ côi... T.T.B |
Nhà báo - người bạn Người ta hay tỏ ra e dè khi biết ai đó là nhà báo. Các cơ quan chức năng khi có sự vụ mà nghe nhà báo, đặc biệt là chưa quen, gọi điện hay “viếng thăm” thì càng ái ngại. Nhưng cố gắng hiểu và hợp tác với nhau, một tình bạn cũng dễ nảy sinh. Từ vụ 122 ngư dân trên 7 tàu cá VN bị bắt ở tỉnh Palawan, Philippines hồi tháng 5.2011, tôi đã có một ví dụ như vậy. Đại sứ VN tại Manila Nguyễn Vũ Tú lần đầu nhận cuộc gọi của tôi đã bảo là bận họp để tránh trả lời! Vụ này có một số điều tế nhị trong quan hệ tầm quốc gia, và giữa nhiều nước. Khi tôi đề nghị đi cùng ông trong chuyến công tác xuống Palawan, ông từ chối, rồi do dự, và cuối cùng đồng ý trong đắn đo. Tôi bay từ Singapore sang Manila, rồi từ đó bay đi Palawan cùng ông và Bí thư thứ hai Nguyễn Thành Công. Trong lúc ngồi chờ lên máy bay, thấy tôi có vẻ “máu” săn tin, ông Tú tỏ rõ quan ngại, và dường như có phần hối tiếc vì đồng ý để tôi đi cùng. Ông liên tục cảnh báo tôi về việc đưa tin. Rồi trên đường từ sân bay Palawan về khách sạn, ông tiếp tục “nhắc nhở”, khiến tôi không khỏi tự ái. Sau khi ăn tối tại khách sạn, chúng tôi đi thăm các thuyền trưởng đang được tại ngoại để trông coi tàu ở cảng Hải quân. Cả 3 người lên một chiếc xích lô máy cũ kỹ. Đại sứ Tú hơi “to con” nên anh xích lô không cho ông ngồi sau lưng anh trên chiếc xe gắn máy. Anh Công nhỏ con hơn thì được. Kết quả là ông Tú và tôi chen nhau trong cái rờ moóc nhỏ xíu. Chuyến đi lắc lư trong đêm tối đó có lẽ khiến ông Tú thấy tin tưởng tôi hơn. Nên khi về đến khách sạn đã hơn 11 giờ đêm, tôi đem máy tính ra sảnh viết tin. Ông cũng đem máy tính ra đó làm việc, nhưng không có vẻ “canh me” tôi. Hôm sau, bản tin ngắn của tôi hoàn toàn khiến ông yên tâm. Ông đồng ý để tôi tham gia tất cả các cuộc làm việc với phía Philippines. Thậm chí ông còn giới thiệu tôi với ngầm ý nói với bạn: “Báo chí VN quan tâm vụ này lắm đó. Các ông đừng để mất lòng nhau!”. Ông cũng muốn tôi lưu lại Philippines chờ đến ngày tòa đem vụ việc ra xử, nhằm “lưu ý” tòa án trong việc ra phán quyết. Trong một email trao đổi sau khi phiên tòa kết thúc, chính ông Tú nhắc lại: “Nhớ mãi chuyến đi xích lô thăm mấy anh thuyền trưởng đêm đầu tiên. Đêm tối đen. Chả biết ông lái xe chở mình đi đâu. Mà Thục Minh thì cứ cười rúc rích”. Rồi ông dẫn một câu tiếng Anh: "Friendships are discovered, rather than made" (tạm dịch: Tình bạn là thứ được phát hiện hơn là cố tạo dựng). “Đúng là giữa Thục Minh, Công, và anh, bọn mình phát hiện ra được một tình cảm bạn bè, chứ cũng không ai cố gắng để làm bạn, trong đợt đi công tác tại Palawan tuần trước”, ông viết. Thục Minh |
Nguyễn Quang Thông
Bình luận (0)