Theo đúng kế hoạch triển khai, khoản cho vay này sẽ được cấp cho Bồ Đào Nha trong vòng 3 năm và trước mắt, IMF sẽ cấp ngay 6,1 tỉ euro cho Bồ Đào Nha nhằm trấn an tâm lý các nhà đầu tư.
Trong năm 2011, IMF sẽ cấp tổng cộng 12,6 tỉ euro cho quốc gia này.
Theo Reuters, gói trợ giúp này là bước tiến hành đầu tiên của thỏa thuận ứng cứu của Liên minh châu u và IMF dành cho Bồ Đào Nha, trị giá 78 tỉ euro (tương đương 110 tỉ USD) đã đạt được hồi đầu tháng 5 này.
|
Theo Poul Thomsen, Trưởng phái đoàn IMF tại Bồ Đào Nha, gói trợ giúp kinh tế lần này sẽ giúp Bồ Đào Nha duy trì thị trường trái phiếu chính phủ trung và dài hạn ổn định trong vòng 2 năm tới.
Cùng với việc nhận được tiền ứng cứu từ quốc tế, chính quyền Lisbon sẽ phải nhanh chóng thực hiện các cam kết như cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cải cách hệ thống lao động và luật pháp, đồng thời sẽ phải tiến hành các kế hoạch tư nhân hóa nhiều tài sản.
Ông John Lipsky, quyền Giám đốc IMF, cho biết: “Giới chức Bồ Đào Nha sẽ phải đặt nhiệm vụ cân bằng nền kinh tế, trong đó nhiệm vụ nâng sức tăng trưởng và tạo việc làm cho người dân lên hàng đầu”.
Theo ông này, vấn đề cơ bản của Bồ Đào Nha hiện nay là tăng trưởng kinh tế thấp. Cùng với đó, Bồ Đào Nha cũng sẽ phải tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo cân bằng và ổn định hệ thống tài chính.
Bồ Đào Nha cũng phải cam kết sẽ giảm mức bội chi ngân sách xuống mức 3% GDP vào năm 2013, từ mức 9,1% GDP hồi năm ngoái.
Đây không phải là một vấn đề dễ giải quyết vì ngay cả trước khi xảy ra khủng khoảng, kinh tế Bồ Đào Nha cũng đã tăng trưởng khó khăn, ông Thomsen cho biết.
Như vậy, tiếp sau Hy Lạp và Ireland, Bồ Đào Nha đã là nước thứ 3 tại châu u không thể tự cứu mình ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, mà cần tới sự giúp sức của cộng đồng quốc tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, cùng với những rắc rối đang nảy sinh trong việc giải cứu Hy Lạp thì đây cũng có thể chưa phải là trường hợp cuối cùng.
Thu Hạnh
Bình luận (0)