3 bí quyết giúp Grab trở thành cái tên phổ biến ở Đông Nam Á

Thu Thảo
Thu Thảo
02/11/2018 10:01 GMT+7

Là startup nổi lên từ cuộc thi tại trường kinh doanh Harvard Business School, ứng dụng gọi xe Grab hiện là cái tên quen thuộc với nhiều người dân Đông Nam Á.

Xây dựng doanh nghiệp thành công không dễ, xây dựng doanh nghiệp thành công ở nhiều vùng địa lý, ngôn ngữ và nền văn hóa thậm chí còn khó hơn. Dù vậy, đây là kỳ tích mà nền tảng gọi xe Grab làm được.
Ý tưởng hãng Grab được Anthony Tan, em út trong gia đình ba anh em quản lý hãng Tan Chong Motors, nhà phân phối được ủy quyền xe Nissan tại Malaysia, nảy ra hồi đi học tại Trường Kinh doanh Harvard để giải quyết nhiều tồn tại của dịch vụ taxi ở quê nhà.
Ban đầu, ông Tan trình bày ý tưởng với các giáo sư ở trường, song nhận được nhiều lời phê bình rằng ý tưởng khó thực hiện hoặc thiếu thực tế. Song đến năm 2011, dự án Grab vẫn đoạt giải nhì trong Cuộc thi Kế hoạch Kinh doanh, lọt vào vòng chung cuộc của giải nhận tài trợ tối thiểu cho dự án kinh doanh tại Harvard Business School. Hãng Grab cuối cùng ra đời vào tháng 6.2012.
Sáu năm kể từ ngày ra mắt, Grab đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á, mở rộng ra 235 thành phố và thâu tóm doanh nghiệp ở khu vực của Uber. Vậy đâu là bí quyết thành công của startup Mỹ tại khu vực gồm 11 quốc gia, 650 triệu dân này?
Theo giám đốc công nghệ Grab, ông Theo Vassilakis, tất cả bí quyết của hãng đều đến từ cụm từ: “thật địa phương”. “Mỗi nước đều khác nhau, song nếu bạn tiếp cận từng thị trường với tư duy đó, bạn có thể làm tốt hơn nhiều”, ông Vassilakis chia sẻ tại hội nghị bán lẻ, marketing và thương mại FUTR ở Singapore. Với Grab, việc này đồng nghĩa với việc đạt được ba điều.
1. Đáp ứng yêu cầu địa phương
Grab cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, phù hợp với từng thị trường Ảnh: Reuters
Điểm này nghe có vẻ hiển nhiên, song hiểu những gì khách hàng tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu của họ lại là bước đầu tiên để lấy lòng khách hàng ở thị trường mới, ông Vassilakis nói. Grab thiết lập mô hình kinh doanh cơ bản là gọi xe khi bắt đầu mở rộng, nhưng sau này điều chỉnh dịch vụ kỹ càng hơn cho từng thị trường.
Ở Singapore, nơi có trụ sở Grab, taxi là tiêu chuẩn. Song đến Ấn Độ, xe tuk-tuk mới phổ biến. Vì thế, Grab “đo ni đóng giày” dịch vụ của mình cho thị trường địa phương, tung ra các dịch vụ vận chuyển truyền thống thay vì một dịch vụ vận chuyển chung nhất, phổ quát nhất cho cả khu vực.
2. Giải quyết vấn đề địa phương
Trong khi thích ứng với hoạt động ở địa phương là quan trọng, điều cần thiết hơn là cải thiện những hoạt động đó để tự làm nổi bật mình. Với Grab, điều này đồng nghĩa với việc cung cấp tùy chọn thanh toán tiền mặt cho những người tiêu dùng chưa có tài khoản ngân hàng, và đảm bảo rằng giao diện ứng dụng phù hợp với mọi người, bất kể chất lượng hay điều kiện của điện thoại thông minh.
Để thực hiện mục tiêu, Grab còn xây dựng đến sáu trung tâm nghiên cứu và phát triển, có 2.000 kỹ sư và nhà phát triển tại các thị trường khác nhau.
3. Có cách tiếp cận thật địa phương
Khía cạnh cuối cùng của phương pháp tiếp cận thật địa phương của Grab là đảm bảo rằng đội ngũ của doanh nghiệp luôn liên lạc với người dùng để tìm cách cải thiện sản phẩm. Ông Vassilakis nói rằng CEO Grab Anthony Tan thường gặp gỡ nhiều tài xế, có khi tự mình đi giao thức ăn để nhận phản hồi về cách các chức năng ứng dụng trên thực tế.
“"Hãy đi xuống đường" là phương châm của chúng tôi”, ông Vassilakis nói. Giám đốc công nghệ Grab cho biết Grab hiện mở một loạt buổi học tại nhiều thị trường khác nhau để giúp hãng nắm rõ hơn tình hình tài chính doanh nghiệp và nhận thêm phản hồi từ mạng lưới tài xế và chủ doanh nghiệp nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.