3 chàng trai âm thầm đo nắng gió giữa Trường Sa

13/05/2016 10:35 GMT+7

3 chàng trai ở trạm khí tượng Song Tử Tây không có ngày nghỉ, vì chẳng bao giờ mặt trời không 'thức giấc', gió ngừng thổi. Họ làm việc 24/24 và trong tất cả các ngày trong tuần.

Những chàng trai... đảm đang
Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa là hòn đảo đầu tiên mà đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016” đặt chân đến. Rẻo đất máu thịt của tổ quốc này đón đoàn bằng cái nóng bỏng da bỏng thịt nhưng những nụ cười của cư dân trên đảo đã làm dịu đi tiết trời khô khan.
Cũng lạ, người trên đảo dù thiếu nhiều thứ nhưng thừa... nụ cười. Và cũng với nụ cười ấy, anh Trần Văn Nhường (30 tuổi, Trạm trưởng trạm khí tượng thủy văn đảo Song Tử Tây, quê ở H.Bình Lục, Hà Nam) đón chúng tôi vào thăm quan “tệ xá”. Thực tế, “tệ xá” của anh Nhường là một ngôi nhà kiên cố khá mới, có 4 phòng, vừa là nơi làm việc vừa là nơi ngủ nghỉ của anh em cán bộ trạm.
Anh Nhường là một người khá dễ gần ngay từ phút đầu bắt chuyện. Chưa “khảo” anh đã “khai” rằng mình tốt nghiệp ĐH Tài nguyên môi trường, sau đó được phân về Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ và được ra Song Tử Tây từ tháng 7.2015.
Đối với các cán bộ trong trạm khí tượng này, họ chỉ thấy nhàm chán khi máy móc bị hỏng, dữ liệu không chuyển được về đất liền - Ảnh: Nguyễn Phúc
Hỏi anh lúc nghe tin phải ra Trường Sa công tác... có sợ không thì anh lắc đầu nguầy nguậy: “Sợ gì chứ. Trạm Song Tử Tây thành lập từ năm 1992, nhiều thế hệ đồng nghiệp của tôi đã đi rồi và họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ trở về chứ có sao đâu. Cá nhân tôi đi lần đầu nên còn có cảm giác háo hức, tò mò, muốn trải nghiệm nữa là đằng khác”.
Cùng với anh Nhường, có 2 cậu “lính mới” nữa cũng được phân công ra đo nắng gió Song Tử Tây lần này là Từ Tất Hà (quê Hà Nội) và Nguyễn Trọng Thái (quê Bình Định). Chỉ khác là 2 cậu đều mới 24 tuổi, là trai tân chưa vợ.
“Cơ quan chỉ có 3 anh em, lại toàn đàn ông nhưng chúng tôi vẫn tự lo cho nhau tốt. Làm riết rồi thành quen nên việc cơm nước, giặt giũ, thậm chí may vá... đều không làm khó được chúng tôi. Sau này, về đất liền, cô nào vớ được chúng tôi không khéo lại... may mắn vì có ông chồng đảm đang!”, Thái nói, với giọng rất tếu táo.

Những chàng trai 9X giữ đảo giữa Biển Đông

'Ở Sóc Sơn quê em, phải hơn 20 năm mới có lần Hải quân tuyển người. Em biết tin liền viết đơn tình nguyện xin đi. Bởi từ nhỏ em đã mơ làm lính biển', Ngô Xuân Đạt tự hào kể.
Làm gì mà yêu là sẽ thấy... thú vị
Cũng giống như ở đất liền, các chàng trai ở trạm khí tượng Song Tử Tây không có ngày nghỉ, vì chẳng bao giờ mặt trời không “thức giấc”, gió ngừng thổi. Họ làm việc 24/24 và trong tất cả các ngày trong tuần.
“Bình thường thì chúng tôi ghi chép và chuyển số liệu 4 ca vào đất liền mỗi ngày: 1 giờ sáng, 7 giờ sáng, 1 giờ chiều và 7 giờ tối. Nhưng khi có áp thấp, bão thì mọi chuyện sẽ khác. Các ca trực sẽ phải tăng lên, khoảng cách mỗi lần chuyển số liệu rút ngắn lại, có khi chỉ 30 phút phải chuyển 1 lần”, Thái cho hay.
Trạm trưởng Trần Văn Nhường cho hay không có công việc nào nhàm chán nếu như mình thực sự yêu nó - Ảnh: Nguyễn Phúc
Chính vì thế, những chàng trai ở trạm khí tượng hầu như chỉ biết “gần gũi” với các chỉ số: lượng mưa, gió, nhiệt độ, khí áp, độ ẩm, tầm nhìn... “Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại nên có người nói công việc của chúng tôi sẽ nhàm chán nhưng tôi nghĩ đó chỉ là đặc thù của mỗi ngành. Còn khi anh thấy yêu thì sẽ thấy công việc thú vị”, trạm trưởng Nhường nói.
Như để chứng minh cho câu khẳng định của trạm trưởng Nhường có thêm "cân nặng", Hà chen vào: “Chúng tôi chỉ cảm thấy nhàm chán khi máy móc hỏng. Khi đó chúng tôi không thể có số liệu báo về đất liền và cảm giác như mình chưa hoàn thành nhiệm vụ dù đó là lỗi khách quan”.
Có một lý do khác để anh Nhường, Thái và Hà quấn quýt bên các thiết bị đo đạc đó là bởi họ biết tầm quan trọng của những ghi chép của mình khi được chuyển về đất liền, đặc biêt số liệu được đo ở đảo Song Tử Tây này. Bởi hòn đảo này là điểm đầu phía bắc quần đảo Trường Sa, thường là điểm hứng các trận bão trước khi chúng đổ bộ vào đất liền.
Song Tử Tây là hòn đảo nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa nên những dữ liệu khí tượng đo tại đây sẽ khá quan trọng khi gửi về đất liền - Ảnh: Nguyễn Phúc
“Những số liệu chúng tôi gửi về sẽ là cơ sở để đất liền biết chính xác mức độ, hướng đi của bão để ứng phó, thông báo cho ngư dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể”, anh Nhường phân tích.
Nắng Trường Sa vẫn cứ cháy bỏng, gió Song Tử Tây cứ thế ùa vào, bão tố vẫn rình rập đâu đó chờ lúc ập đến... nhưng có những con người như 3 chàng trai tôi nhắc đến ở trên vẫn ngày ngày sống với nắng, với gió, với bão tố nơi này. Dẫu còn lắm gian truân, thiệt thòi nhưng như họ nói “khi yêu thì mọi thứ đều... thú vị!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.