3 điểm mới về căn cước công dân theo đề xuất của Bộ Công an

28/09/2023 19:08 GMT+7

Bộ Công an đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng được cấp thẻ căn cước gồm cả trẻ em dưới 14 tuổi.

Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo luật Căn cước, nhằm sửa đổi, bổ sung luật Căn cước công dân năm 2014 đang có hiệu lực.

Đổi tên căn cước công dân thành căn cước

Bộ Công an đề xuất đổi tên luật từ luật Căn cước công dân thành luật Căn cước. Đồng thời, thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Trên mặt thẻ căn cước, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

3 điểm mới về căn cước công dân theo đề xuất của Bộ Công an - Ảnh 1.

Bộ Công an đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

TUYẾN PHAN

Theo Bộ Công an, việc đổi tên thành căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới; bảo đảm tính bao quát khi tích hợp nhiều thông tin hơn.

Nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao; vì thế sẽ được thay thế cho quê quán, có tính chính xác thấp hơn. Ví dụ, có người sinh ở Hà Nội nhưng lại ghi quê quán theo cha mẹ, ông bà ở địa phương khác.

Tương tự, việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.

Hiện nay đang có nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch, căn cước công dân gắn chip, tới đây sẽ có thêm thẻ căn cước.

Việc này có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân hay không, hơn 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip đã cấp có phải làm lại?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), khẳng định các thay đổi như đề xuất không làm phình ngân sách, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Tất cả thẻ căn cước công dân đã cấp sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan đến thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân đều có giá trị pháp lý như nhau.

3 điểm mới về căn cước công dân theo đề xuất của Bộ Công an - Ảnh 2.

Theo dự thảo của Bộ Công an, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu

TUYẾN PHAN

Cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi

Theo luật Căn cước công dân năm 2014, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ căn cước công dân. Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước cho cả trẻ em dưới 14 tuổi, việc cấp theo nhu cầu của người dân chứ không bắt buộc.

Bộ Công an nhận định trẻ em dưới 14 tuổi khi được cấp thẻ căn cước có thể sử dụng (hoặc thông qua cha mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ như: tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại…

Về quy trình, đối với trẻ từ 6 - 14 tuổi, nếu có nhu cầu, cha mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định.

Riêng với trẻ dưới 6 tuổi, việc thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ thông qua cổng dịch vụ công. Cơ quan quản lý căn cước sẽ không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học với nhóm đối tượng này.

Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn vì trẻ em dưới 14 tuổi có nhân dạng chưa ổn định, dễ thay đổi theo thời gian; việc cấp thẻ căn cước cho nhóm này có khả thi và hiệu quả?

Bộ Công an cho biết, hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học. Ví dụ, với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận điện tử thay cho mực lăn tay và chỉ bản, do đó có thể thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên mà vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu.

Tương tự, việc thu nhận ảnh khuôn mặt cũng có thể thực hiện được với tất cả cá nhân, bao gồm cả người dưới 14 tuổi; ví dụ đã được áp dụng và quy định trong cấp thị thực cho trẻ em dưới 14 tuổi.

3 điểm mới về căn cước công dân theo đề xuất của Bộ Công an - Ảnh 3.

Bộ Công an còn đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

TUYẾN PHAN

Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Bộ Công an còn đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã từ 6 tháng trở lên.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, khảo sát của Bộ Công an cho thấy hiện có khoảng 40.000 người Việt Nam "không có bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh họ là ai". Trong đó, khoảng 32.000 người là gốc Việt Nam, sinh sống ổn định ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; gần 8.000 người còn lại thuộc diện con lai.

Những người này về mặt pháp lý không có tên, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống; ví dụ mua nhà, mua xe, mở tài khoản ngân hàng đều phải nhờ người khác đứng tên; hoặc đăng ký đi học cho con cái cũng phải nhờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Thực tế trên đòi hỏi phải tạo ra hành lang pháp lý để họ có được những quyền căn bản về lao động, học tập, khám, chữa bệnh, thực hiện các giao dịch hợp pháp…

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người được cấp mà còn giúp công tác quản lý nhà nước chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.