3 dự án cao tốc trọng điểm phía nam 'chưa xác định nguồn vốn', 'khó khả thi'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/05/2022 10:11 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cả 5 nguồn vốn dự kiến sử dụng cho các dự án đều "chưa đủ cơ sở xác định", trong khi đó, tiến độ hoàn thành cơ bản các dự án trong các năm 2025 - 2026 là "khó khả thi".

Khó khả thi về tiến độ

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội nêu ý kiến về 3 dự án đường cao tốc trọng điểm phía nam, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nguồn vốn cho các dự án cao tốc trọng điểm phía nam "chưa đủ cơ sở xác định"

TN

Đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự án có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn… có nhiều cầu lớn và hạng mục đường phải xử lý nền đất yếu cần thời gian thi công dài.

Trong khi thực tế đến năm 2026 (còn khoảng hơn 4 năm) cho công tác chuẩn bị và thực hiện để hoàn thành. Ngoài ra, chưa kể khó khăn về dịch Covid-19, nguồn nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc đặt ra tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 là khó khả thi nếu không có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cùng với lý do tương tự, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đều khó khả thi để hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và 2026 như tờ trình của Chính phủ.

"Chưa đủ cơ sở xác định"

Về nguồn vốn cho các dự án, tờ trình của Chính phủ nêu, đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ 5 nguồn vốn: nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phân bổ cho dự án khoảng 14.248 tỉ đồng; nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT phân bổ cho dự án khoảng 1.166 tỉ đồng; chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến phân bổ 3.800 tỉ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 dự kiến bố trí 7.721 tỉ đồng; nguồn ngân sách địa phương cam kết bố trí vốn 3.823 tỉ đồng.

Nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Theo Kiểm toán Nhà nước, một số nguồn vốn dự kiến mà Chính phủ nêu hiện “chưa đầy đủ cơ sở xác định”.

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT, dự kiến phân bổ cho dự án khoảng 1.166 tỉ đồng, chưa bảo đảm tính khả thi trong phương án dự kiến.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phân tích, nguồn vốn cân đối từ chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng của 8 dự án thành phần khoảng 3.108 tỉ đồng, do hiện nay chỉ có 1 dự án đã hoàn thành nên có thể xác định được chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng, còn 7 dự án đang thi công chưa hoàn thành (4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, 3 dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 - 2024) nên chưa đủ cơ sở để xác định từ chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng của 7 dự án này.

Bên cạnh đó, nguồn vốn dự kiến cân đối từ chi phí dự phòng không sử dụng khoảng 1.417 tỉ đồng của 15 dự án giao thông nhưng hiện nay chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, còn 11 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, 3 dự án hoàn thành trong năm 2023 nên chưa đủ cơ sở để xác định chi phí dự phòng không sử dụng của 14 dự án này.

Đối với nguồn vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, hiện danh mục và mức vốn của từng dự án chưa được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Như vậy, chưa đầy đủ cơ sở để xác định nguồn vốn bố trí cho dự án.

Đối với nguồn ngân sách địa phương là 3.823,5 tỉ đồng, tuy nhiên, mới có tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng ban hành Nghị quyết của HĐND về việc bố trí kế hoạch vốn ngân sách địa phương tham gia đầu tư dự án, hiện còn HĐND TP.Cần Thơ chưa ban hành nghị quyết bố trí nguồn vốn tham gia vào dự án. Do đó, chưa có đầy đủ cơ sở xác định nguồn vốn ngân sách địa phương của UBND TP.Cần Thơ bố trí cho dự án.

Đối với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021, Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện chưa được xác định rõ ràng do Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Cùng với các lý do nêu trên, đối với dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, nguồn vốn “chưa đủ cơ sở xác định”.

Tính toán lại tổng mức đầu tư

Về tổng mức đầu tư dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo báo cáo của Chính phủ là 44.691 tỉ đồng, trên 188,2 km, bình quân 192,3 tỉ đồng/km (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, theo tờ trình thì sơ bộ tổng mức đầu tư đã được so sánh với chi phí đầu tư một số dự án đường bộ có quy mô, tính chất tương đồng (dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ) đang triển khai đầu tư trong cùng khu vực. Tuy nhiên, cách tính sơ bộ tổng mức đầu tư chưa có sự thống nhất.

Nếu xác định lại chi phí đầu tư hạng mục cầu và chi phí quản lý, tư vấn, khác của dự án theo dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, phù hợp với cách tính của hạng mục đường thì sơ bộ tổng mức đầu tư giảm 1.110,6 tỉ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, suất đầu tư của dự án đang thấp hơn với một số dự án thành phần tương tự về loại, cấp, quy mô, trong cùng khu vực dự án lựa chọn đầu tư (khu vực đồng bằng sông Cửu Long) thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Đối với dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, có tổng giá trị 21.935 tỉ đồng, trên 117,5 km, bình quân 167,11 tỉ đồng/km (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), theo Kiểm toán Nhà nước, thời gian vừa qua giá các loại vật tư, nhiên liệu có sự gia tăng đột biến, vì vậy vấn đề này cần được lưu ý, xem xét, tính toán dự phòng trong tổng mức đầu tư.

Qua tham khảo, so sánh với suất vốn đầu tư một số dự án có cùng quy mô; có tính chất tương đồng về mặt địa lý và hình thức đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 thì suất đầu tư của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột cao hơn khá nhiều.

Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ suất vốn đầu tư là 130,72 tỉ đồng/km (thấp hơn 36,39 tỉ đồng); dự án cao tốc đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn suất vốn đầu tư là 146,1 tỉ đồng/km (thấp hơn 21 tỉ đồng); dự án cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang suất vốn đầu tư là 138,87 tỉ đồng/km (thấp hơn 28,24 tỉ đồng).

Đối với dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỉ đồng, trên 53,7 km, bình quân toàn bộ dự án là 154 tỉ đồng/km. Theo Kiểm toán Nhà nước, chi phí quản lý, tư vấn, khác trong sơ bộ tổng mức đầu tư tính 12% trên chi phí xây lắp và thiết bị, lớn hơn so với dự án đầu tư công cùng quy mô. Nếu điều chỉnh lại cơ cấu chi phí quản lý, tư vấn, khác trong sơ bộ tổng mức đầu tư sẽ giảm 415,79 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nếu lựa chọn phương án mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe như các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 thì suất đầu tư xây dựng của dự án sẽ giảm còn 105 tỉ đồng/km, tương đương giảm chi phí xây dựng 3.197 tỉ đồng và giảm chi phí dự phòng 703 tỉ đồng.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.