Cần tây không chỉ nhiều chất xơ mà còn rất giàu khoáng chất. Một chén cần tây chứa khoảng 30% nhu cầu vitamin K khuyến nghị mỗi ngày. Ngoài ra, cần tây cũng giàu vitamin A, B, C và các dưỡng chất có lợi khác như folate, kali và molypden, theo tạp chí khoa học Livescience.
Các dưỡng chất trong cần tây có thể cải thiện sức khỏe đường ruột, ngăn viêm nhiễm và ung thư |
SHUTTERSTOCK |
Thường xuyên ăn cần tây sẽ mang lại những lợi ích đường ruột sau:
Giảm táo bón
Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến nhất. Bác sĩ thường khuyên người mắc táo bón nên thay đổi chế độ ăn uống với nhiều rau củ, trái cây và uống nhiều nước. Cần tây có thể rất hữu ích với chế độ ăn này.
Cần tây chứa hàm lượng nước cao, giúp hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Một chén cần tây chứa khoảng 115 gram nước. Hàm lượng nước cao trong cần tây giúp duy trì lượng chất lỏng cần thiết trong cơ thể, nhờ đó giúp giảm táo bón.
Bảo vệ đường tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định lợi ích của các chất chống oxy hóa trong thực vật, đặc biệt là giúp bảo vệ cơ thể khỏi quá trình stress oxy hóa. Trong cần tây, 2 hợp chất chống ô xy hóa quan trọng nhất là apigenin và luteolin.
Với sức khỏe đường ruột, nghiên cứu trên chuyên san Antioxidants phát hiện các chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ đường ruột khỏi stress oxy hóa bằng cách thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, nhờ đó cải thiện chức năng tiêu hóa.
Ngăn nguy cơ ung thư đường ruột
Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy chất flavonoid trong các loại thực vật như cần tây có thể bảo vệ cơ thể trước bệnh ung thư. Tác dụng chống ung thư của flavonoid được thực hiện qua nhiều cơ chế sinh học khác nhau.
Với đường ruột, chất flavonoid không chỉ ngăn chặn nguyên nhân gây ung thư mà còn hạn chế sự lây lan của ung thư dạ dày. Chúng ức chế sự hình thành các mạch máu quanh tế bào ung thư, nhờ đó hạn chế nguồn cung cấp máu cho khối u.
Không những vậy, flavonoid trong cần tây còn bảo vệ dạ dày khỏi nguy cơ tổn thương ADN, ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. Pylori. Đây là loại vi khuẩn làm hỏng các mô dạ dày, ruột non và dẫn đến viêm nhiễm, theo Livescience.
Bình luận (0)