3 lý do chiến tranh thương mại không khác đại suy thoái với dân Mỹ

Thu Thảo
Thu Thảo
04/03/2018 14:16 GMT+7

Theo CNN, trong trường hợp một cuộc chiến thương mại nổ ra, người Mỹ bất kể làm nghề gì cũng nên lo ngại.

Trong một cuộc chiến thương mại, các nước áp thuế quan và nhiều rào cản thương mại khác lên hàng nhập khẩu, thường là để trả đũa động thái của một đối tác thương mại.
Điều này có thể làm chậm hoạt động kinh doanh toàn cầu bằng cách đè nặng thương mại quốc tế. Trong trường hợp xấu nhất, chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới. Chính sách bảo hộ thương mại là một trong các lý do được giới chuyên gia kinh tế cho rằng làm trầm trọng Đại suy thoái.
Dưới đây là ba hướng người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ chịu thiệt hại nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra.
Giá cả tăng
Đây là chuyện chắc chắn. Trong cuộc chiến thương mại, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ gánh chi phí. Mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu đồng nghĩa với việc giá ô tô, thiết bị gia dụng, thực phẩm đóng gói và tất cả mọi thứ khác sử dụng thép và nhôm đều sẽ đi lên.
Ngay cả nhóm thương mại ngành nhôm cũng thừa nhận các nhà máy trong nước không thể sản xuất đủ nhôm để thay thế nguồn cung từ ngoại quốc. Khi thuế có hiệu lực, hàng nhập khẩu vẫn phải vào Mỹ và vào với giá cao hơn. Vì giá thép, nhôm nước ngoài cao hơn nên các nhà sản xuất trong nước cũng có thể phải tăng giá.
Mỹ mua từ các đối tác thương mại nhiều hơn là bán ra, dù vậy, nước này vẫn xuất khẩu số hàng hóa dịch vụ trị giá 2.300 tỉ USD. Một cuộc chiến thương mại đồng nghĩa với việc các nước khác sẽ đánh thuế và hạn chế hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ. Sản phẩm Mỹ đắt hơn và giảm sức cạnh tranh tại nước ngoài.
Khi doanh nghiệp Mỹ mất hợp đồng bán sản phẩm ở nước ngoài, sẽ mất một thời gian dài để họ giành lại được hợp đồng đó. Khách hàng của họ sẽ tìm đến các nhà cung ứng khác đáng tin cậy hơn.
Nhiều công việc trả lương hậu hĩnh cũng gặp rủi ro nếu chiến tranh thương mại nổ ra. Năm 2017, Mỹ xuất khẩu 60 tỉ USD giá trị bộ phận ô tô, 56 tỉ USD máy bay dân dụng, 52 tỉ USD ô tô và xe tải mới và 51 tỉ USD dược phẩm.
Song đây chỉ tính các loại hàng hóa. Mỹ là nền kinh tế dịch vụ trong nhiều thập niên trở lại đây. Hiện nay, việc làm ngành dịch vụ như truyền thông, tài chính, giao thông vận tải và bán lẻ cao gấp năm lần so với việc làm ngành sản xuất và khai thác mỏ. Tin tốt là Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ 243 tỉ USD.
Đối tác thương mại Mỹ cũng thuộc top chủ nợ lớn nhất của Mỹ
Thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng lớn. Ủy ban Ngân sách Liên bang Mỹ ước tính số liệu có thể lên 1.000 tỉ USD vào năm 2019. Phố Wall lo ngại rằng chuyện tăng nợ có thể làm tăng lợi suất nợ chính phủ, vì Bộ Tài chính sẽ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để đi vay thêm tiền. Điều này sẽ kéo cao chi phí vay vốn dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, vì nhiều khoản vay, trong đó có vay thế chấp, có lãi suất đi theo lợi suất trái phiếu chính phủ.
Một điểm giúp vấn đề này cân bằng ở thời điểm hiện tại là các nước khác có nhu cầu mua nợ Mỹ. Các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, là một trong các chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nước này mua 127 tỉ USD nợ Mỹ trong năm qua, hiện nắm hơn 1.000 tỉ USD nợ Mỹ và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại là một trong những lý do khiến nước ngoài mua nợ Mỹ, vì các nước phải sử dụng đồng đô la Mỹ mà họ kiếm được từ giao thương. Nếu khoảng cách thương mại co lại vì bất cứ lý do nào, Trung Quốc sẽ không còn động lực mua nợ Mỹ và lợi suất, lãi suất có thể tăng đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.