Cũng có lối lên xuống làm thành bậc như các đảo khác, nhưng chỗ cập thuyền của Hòn Bông Lang không thể lại gần bởi sóng quá to, không điểm bấu víu, nên chiếc xuồng xuôi xuống khoảng 20 m, gí mũi vào gần bờ đá, đợi sóng nâng lên ngang chừng, cho chúng tôi nhảy lên.
Lao người lên tảng đá, tôi ngã sóng soài nhưng vẫn kịp bíu tay vào thân đá trơn nhẫy. May mà có điểm nhô ra để bíu tay, không để trượt người xuống mặt biển đang ầm ào sóng. Đầu gối tôi đau điếng vì cú ngã.
Ca nô nhanh chóng lùi ra xa, dập dềnh chờ chúng tôi.
Bấm chân trên những bậc thang xây gạch, chúng tôi đi ngược qua những tảng đá khổng lồ để lên mốc cơ sở A4. Điểm mốc cơ sở này như một cột bê tông trụi lủi, loang lổ những vết gỉ sét do đinh sắt bị ô xy hóa. Không thấy biểu tượng cờ Tổ quốc, không thông tin điểm cơ sở... Thứ duy nhất có thể nhận ra mốc là 2 biểu tượng trống đồng rơi ra, được buộc bằng dây thừng ở góc phía tây và nam. Đến gần quan sát kỹ, còn thấy cả vành sắt gắn biểu tượng cũng được buộc cẩn thận theo...
Anh Nguyễn Văn Sinh (bảo vệ yến sào, Vườn quốc gia Côn Đảo), người đã buộc các biểu tượng bằng dây thừng, cho biết: "Gạch, sắt rơi từ trên mốc xuống nên phải dồn lại để đi lại khỏi đâm vào chân". Ở vị trí A4, mốc định hướng đánh dấu tọa độ quốc gia cách hơn 10 m.
Từ điểm A4 - Hòn Bông Lang, chúng tôi đi sang điểm A5 - Hòn Bảy Cạnh cách đó hơn 2 km. Mặc dù trên Hòn Bảy Cạnh có trạm hải đăng, công nhân Công ty Bảo đảm hàng hải Đông Nam Bộ sinh sống thường xuyên trên đó, hòn này cũng có nhiều hoạt động du lịch - khám phá - trải nghiệm, nhưng mốc A5 nằm riêng biệt phía đông hòn đảo, ngay bên bờ đá, cách mặt biển khoảng 20 m, nên cũng bị hư hỏng gần hết.
Từ dưới nhìn lên, nếu không chú ý sẽ không thấy khối bê tông là cốt của mốc, do chìm vào màu nâu xỉn của đá núi. Đến gần, nhìn kỹ mới thấy duy nhất dòng chữ "Việt Nam" còn kiên cường bám trên thân mốc, nhưng cũng bị phai hết màu, thành màu xám. Ở mốc A5, duy nhất có chân mốc làm bằng đá xanh, trát nhiều bê tông, là được giữ nguyên.
Cũng tại mốc A5, các miếng gạch bọc xung quanh rơi ra cùng biểu tượng trống đồng… làm lộ ra các vỏ bao sợi dứa ni lông tổng hợp lót bên trong khối bê tông xây mốc. Ngay phía trên cũng lộ ra bao ni lông màu xanh.
Ngư dân Hoàng Văn Sao, người thường xuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Bảy Cạnh, cho biết: "Rất ít khi có người lên các mốc này. Đặc biệt là mốc A5, hiếm lắm mới có một đoàn khách phượt, nhưng rất hiếm khi lên bởi khu vực này sóng to, chỗ tảng đá lên lại cao, trơn, nguy hiểm".
Trên mốc A5, tương tự như ở A3, A4, người dân và bộ đội biên phòng tuần tra cũng xếp gọn các mảnh vỡ, phù điêu trống đồng vào trong hõm đá sau mốc.
Mốc cơ sở A4 (Hòn Bông Lang) và mốc A5 (Hòn Bảy Cạnh) cùng được nghiệm thu khối lượng hoàn thành ngày 30.6.2017 giữa Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý với Công ty CP tập đoàn Hà Đô. 2 mốc cơ sở và mốc định hướng này cũng được Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý bàn giao cho UBND H.Côn Đảo, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, Đồn biên phòng Côn Đảo vào ngày 8.1.2018.
Giữa tháng 4.2021, trước tình trạng 3 mốc cơ sở lãnh hải (A3, A4, A5) hư hỏng, Đồn biên phòng Côn Đảo đã gửi văn bản lên UBND H.Côn Đảo, đề nghị huyện "đề xuất Phòng Biển - Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý có biện pháp khắc phục, sửa chữa với các điểm cơ sở" trên.
Văn bản ghi rõ: "Trong những năm qua, do sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu tại vùng biển Côn Đảo và các yếu tố khác, các mốc cơ sở A3, A4, A5 đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, chất liệu đá hoa cương ốp trên bề mặt mất khả năng bám dính (đặc biệt tại điểm mốc cơ sở A4), rơi vỡ dưới chân các mốc cơ sở. Đơn vị đã có những biện pháp khắc phục nhưng chỉ mang tính chất tạm thời"…
(còn tiếp)
Bình luận (0)