3 tỉnh có cúm gia cầm A/H5N8 thể độc lực cao, đã lây sang người tại Nga

06/07/2021 15:21 GMT+7

Việt Nam lần đầu phát hiện virus cúm gia cầm A/H5N8 thể độc lực cao tại Hòa Bình, Cao Bằng và Quảng Ninh. Đáng lo ngại, chủng virus cúm A/H5N8 được ghi nhận lây cúm sang người tại Nga trong tháng 2 năm nay.

Ngày 6.7, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ này vừa có công điện khẩn gửi các địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao lây lan diện rộng.
Theo Bộ NN-PNT cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 được phát hiện tại 3 tỉnh gồm: 1 ổ dịch tại Hòa Bình (1hộ chăn nuôi thuộc xã Hữu Lợi, H.Yên Thủy); 1 ổ dịch tại Cao Bằng (1 hộ tại P.Ngọc Xuân, TP.Cao Bằng; và 9 mẫu gộp lấy tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; 1 ổ dịch tại Quảng Ninh (1 hộ chăn nuôi tại xã Vũ Oai, TP.Hạ Long).
Đây là lần đầu tiên cúm gia cầm A/H5N8 được ghi nhận tại Việt Nam, chủng virus này có động lực cao và tốc độ lây lan nhanh. 
Virus cúm A/H5N8 được phát hiện từ gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm, nơi việc giết mổ, buôn bán gia cầm diễn ra thường xuyên, điều kiện thú y không đảm bảo, nên việc truy xuất gia cầm mắc bệnh để tiêu hủy gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động giao thông buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao… Bộ NN-PTNT nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ cao cúm gia cầm A/H5N8 lây lan trên diện rộng.
Để chủ động kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N8 và chủng virus cúm gia cầm có độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho con người, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định của luật Thú y.
Đối với các địa phương có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 chưa qua 21 ngày hoặc phát hiện gia cầm dương tính với virus này, cần xử lý tiêu hủy, công bố dịch; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời. Các địa phương chưa phát hiện dịch cần chủ động rà soát, tiêm phòng cho đàn gia cầm, với tỉ lệ tối thiểu đạt 80%.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch; thường xuyên khử độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.
Đồng thời, đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan thú y, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn; không để người dân tham gia vào hoạt động vận chuyển, buôn bán lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên khu vực biên giới.
Cơ quan thú y các địa phương chủ động lấy mẫu gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao gửi về phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm, xác đinh nguyên nhân gây bệnh dịch để kịp thời cảnh báo.

Chưa có bằng chứng cúm A/H5N8 lây từ người sang người

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện và gây bệnh trên gia cầm từ năm 2014. Đến tháng 6 năm nay, 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus này.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận 2.757 ổ dịch cúm A/H5N8, chiếm 70% trong tổng số các ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia, trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam.
Đặc biệt, trong tháng 2 năm nay, Nga ghi nhận 7 người nhiễm virus cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về virus cúm gia cầm A/H5N8 lây từ người sang người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.