Giữa khung cảnh đông đúc khách ở khu chợ Đồng Hới (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), có một góc nhỏ được dựng lều, che ô để sửa giày dép. Nơi ấy, cựu binh Nguyễn Văn Lợi (59 tuổi, xã Quảng Phương, H.Quảng Trạch) mỗi ngày loay hoay chỉnh sửa giày dép cũ. Đã hơn 30 năm như thế…
Khi chúng tôi ghé vào góc quán bên vỉa hè, ông Lợi đang khâu lại đế cho một đôi giày da cũ. Lúc ấy đã là đôi giày, dép thứ 8 ông nhận sửa chữa trong ngày. "Không biết ngày mai sao chứ hôm nay 8 đôi là đã có tiền gửi về cho vợ con ở nhà rồi. Hy vọng từ đây tới chiều thêm 1 - 2 đôi nữa là có một ngày làm việc thành công", ông Lợi dí dỏm.
Ông Lợi trước đây là cựu binh, phục vụ trong quân ngũ ở chiến trường Bắc Lào. Xuất ngũ, ông lặn lội vào Huế học nghề sửa giày dép rồi ra chợ Đồng Hới hành nghề. Mỗi đôi, ông lấy tiền công từ 30.000 - 50.000 đồng tùy vào mức độ sửa chữa. Ông bảo, quanh khu chợ này cũng có những quán bán giày dép kiêm luôn việc sửa chữa, nhưng nhiều người vẫn tìm đến ông vì khen tay nghề ông rất chắc. Ông Nguyễn Thành Trung, một khách quen của ông Lợi, cũng xác nhận mỗi khi giày dép của thành viên trong gia đình hư hỏng đều mang ra cho ông Lợi sửa. "Ông ấy hành nghề đã lâu, tay nghề khéo léo nên những đôi giày dép nào mang ra cho ông sửa tôi đều hài lòng, lâu bị hỏng lại", ông Trung nói.
"RỒI SẼ MẤT NHỮNG QUÁN SỬA GIÀY RONG"
Đó cũng là lời than thở của người cựu binh có đam mê "làm mới" những đôi giày dép cũ. Bởi những quán sửa giày dép dạo như của ông không còn nhiều, con cái của ông cũng chẳng ai muốn học nghề.
Chính ông cũng không muốn con mình làm cái nghề dầm mưa dãi nắng suốt năm nhưng công cán lại ít ỏi này. "Nghề này trước đây làm có tiền, giờ mức sống nâng cao, mấy ai chịu "bòn mót" sửa lại những chiếc giày dép đã cũ kỹ, hư hỏng. Đã vậy, ở vùng quê nhu cầu đó lại càng thấp, nên tôi chọn Đồng Hới để hành nghề. Tích góp, cực khổ lắm mới có tiền lo cơm áo gạo tiền ở quê nhà", ông Lợi chia sẻ.
Ở tuổi 59, ông vẫn sống xa nhà từ khi làm nghề sửa giày dép. Vợ con ông đều sinh sống tại xã Quảng Phương (H.Quảng Trạch). Ông Lợi đến TP.Đồng Hới làm việc rồi thuê trọ, mỗi tháng chỉ về nhà một lần. "Tết vừa rồi cũng mong có thêm thu nhập nên tôi làm đến trưa 30 mới về nhà, chiều mùng 4 tết lại quay về Đồng Hới dọn mở hàng. Giờ tôi có thể được con cái chăm lo, nhưng bỏ nghề về nhà nghỉ ngơi thì chán lắm. Đây vừa là chỗ có đồng ra đồng vào, vừa làm niềm vui mỗi ngày tôi có", ông chia sẻ.
Việc kiếm tiền từ những đôi giày dép cũ không còn là điều chính yếu với ông Lợi. Những cuộc trò chuyện với khách khi đang sửa giày dép, những cốc nước chè vội, tám chuyện với mấy bác xe ôm đỗ cạnh vỉa hè… đã níu ông ở lại và khiến ông tiếp tục duy trì góc quán nhỏ bên vỉa hè mà có lẽ chỉ vài năm nữa thôi hình ảnh thân quen ấy có thể sẽ biến mất giữa lòng thành phố hiện đại.
Bình luận (0)