Thượng úy - thuyền trưởng Nguyễn Tiến Xuân bảo: “Tàu đi biển nhiều nên phải chuẩn bị đầy đủ cờ mới và lưu giữ cờ cũ. Bao nhiêu người, trong đó có cha tôi đã hy sinh để bảo vệ cờ Tổ quốc, nên phải luôn gìn giữ và trân trọng”.
Người cha của chàng thuyền trưởng trẻ này là thượng úy - khung trưởng Nguyễn Mậu Phong, hy sinh ngày 14.3.1988 trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại đá Gạc Ma (Trường Sa).
Giữ đến hơi thở cuối cùng
Sinh năm 1959 ở xã Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình), năm 1977 khi đang học dở lớp 10, Nguyễn Mậu Phong tình nguyện viết đơn nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Chiến tranh biên giới phía bắc xảy ra, anh lại khoác ba lô ngược ra bắc bảo vệ khu vực biên giới Quảng Ninh. Năm 1981, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai), đến năm 1984 tốt nghiệp, được phân về Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân (HQ) chuyên phòng thủ đảo.
Trong hồi ức của mình, đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 thời điểm 1988, vẫn nhớ Nguyễn Mậu Phong người dáng gầy, ít nói nhưng rất quyết đoán. Do có thực tế chiến đấu và tốt nghiệp sĩ quan chỉ huy nên ngay khi về lữ đoàn, anh được phân công đi đảo. Trong nhiệm vụ CQ-88 (bảo vệ chủ quyền 1988), anh Phong đang nghỉ phép năm nhưng đơn vị gọi vào gấp, giao nhiệm vụ khung trưởng đá Gạc Ma, chỉ huy lực lượng 146 chốt giữ. Phó của thượng úy Phong chính là thiếu úy Trần Văn Phương (Thanh Niên đã có bài ngày 13.3.2018).
Ngày 11.3.1988, nhận lệnh của Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương, tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy, xuất phát từ Đá Lớn chở 2 khung nhà cấp 3 cùng 2 phân đội xây dựng của Trung đoàn công binh 83 và 2 tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146, nhằm hướng Gạc Ma thẳng tiến. Cả đoàn hành quân dưới sự chỉ huy của trung tá Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó 146.
16 giờ ngày 13.3, HQ-604 đến Gạc Ma thả neo. Khoảng 30 phút sau, tàu hộ vệ 502 của Trung Quốc (TQ) từ phía Huy Gơ xuống áp sát cách tàu ta 500 m rồi liên tục đe dọa, xua đuổi. Lực lượng ta vẫn cương quyết giữ, với dự kiến 20 giờ ngày 14.3 sẽ đưa vật liệu xây dựng lên đây. Trước tình hình căng thẳng có thể xảy ra tranh chấp, Bộ Tư lệnh HQ chỉ thị một mặt quyết tâm giữ đảo, mặt khác chuẩn bị để rạng sáng 14.3 đổ bộ.
Bất chấp các tàu TQ luôn bám sát, đe dọa, 3 giờ ngày 14.3, ta tổ chức cắm cờ ở Gạc Ma. Gần sáng, ngoài tàu hộ vệ 502, phía TQ tăng cường thêm 3 tàu chiến trang bị pháo 100 mm, tên lửa, đến đe dọa nhằm buộc HQ-604 rút khỏi khu vực. Trung tá Trần Đức Thông cùng ban chỉ huy tàu động viên bộ đội thống nhất phương án hành động, bảo vệ đảo. 6 giờ sáng, tàu TQ hạ xuồng đưa lực lượng đổ bộ vào đá dàn hàng ngang, giương lưỡi lê xông về lá cờ giữa đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương kiên quyết: “Đây là lãnh thổ của VN, các anh đã xâm phạm, hãy rút khỏi đây, đừng gây đổ máu vô ích”. Phía TQ cậy đông, có vũ khí trong tay xông vào cướp cờ VN và khi bị ngăn cản đã bắn chết thiếu úy Phương, dùng lê đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.
Bị quân ta trên đá Gạc Ma đánh trả quyết liệt, lính đổ bộ TQ phải rút lui. Cùng lúc, các tàu của họ đồng loạt dùng hỏa lực mạnh bắn thẳng vào bộ đội ta đang xây dựng, bảo vệ đá Gạc Ma và các tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505. Thượng úy Nguyễn Mậu Phong cùng tổ bảo vệ lá cờ ở khu vực xây dựng vừa chiến đấu đánh trả địch, vừa cấp cứu thương binh và hy sinh cùng 18 cán bộ chiến sĩ phòng thủ đá Gạc Ma.
Hai anh em nối bước cha
Bà Trần Thị Liễu (thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh), vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, kể: “Năm 1984, chúng tôi kết hôn. Năm 1985 sinh con trai đầu Nguyễn Mậu Trường nhưng gần 2 năm sau (cuối 1987) anh Phong mới đi đảo về, bắt xe đò ra quê ngắm con trai. Mấy ngày đầu thấy chồng ít nói, tôi gặng hỏi mới biết số tiền lương mấy năm trời anh dành dụm cất trong ba lô bị lấy cắp hết, nên ước mơ lợp lại ngôi nhà tranh bị vỡ vụn. Trước khi vào đơn vị, anh đi xin tre, lá sửa ngôi nhà và hứa: Chuyến này đi đảo về, sẽ mua đủ lá lợp nhà cho đỡ dột. Đây là lần cuối cùng anh về với gia đình và kỳ phép này, chúng tôi có con trai thứ 2 Nguyễn Tiến Xuân”.
Tháng 1.2007, bà Liễu bất ngờ khi cả 2 anh em Trường và Xuân cùng viết đơn gửi chỉ huy Lữ đoàn 146 tình nguyện xin nhập ngũ với lý do rất đơn giản: "Chúng cháu muốn được trở thành người lính như bố cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...". Nguyện vọng của 2 anh em được chấp nhận, nhưng với điều kiện cậu em Nguyễn Tiến Xuân phải học quy củ, để phục vụ gắn bó lâu dài với quân đội và việc đầu tiên là đào tạo 4 năm trong Học viện HQ.
Vậy là cuối năm 2007, Nguyễn Mậu Trường nhập ngũ vào Lữ đoàn 146, Vùng 4 HQ, đến tháng 1.2008 ra nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Cùng thời điểm này, em Nguyễn Tiến Xuân khoác ba lô vào Học viện HQ tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) nhập học.
Tháng 11.2011, Nguyễn Tiến Xuân tốt nghiệp Học viện HQ và nhận công tác tại tàu Trường Sa 14, thuộc Hải đội 411, Vùng 4 HQ. Nhiều người bảo: “Đối tượng chính sách xin đâu cũng được, sao không về chỗ nhàn nhã?”, Xuân chỉ cười: “Mỗi người có một lý tưởng. Ước mơ của mình là gắn bó với biển, như bố ngày trước”. Về điều này, bà Liễu tự hào: “Hồi xưa học giỏi, nếu muốn sung sướng nhàn hạ thì hắn đã thi vào trường kinh tế để có thêm điểm cộng là con liệt sĩ rồi…”.
Giờ Nguyễn Tiến Xuân đã là thượng úy - thuyền trưởng tàu 633 thuộc Hải đội 413, thường xuyên công tác tại Trường Sa và thông thuộc hết luồng lạch trên toàn quần đảo. Xuân kể: “Chuyến đầu tiên về công tác Vùng 4, theo tàu ra Trường Sa qua Gạc Ma, em thả xuống biển cho cha cùng đồng đội một bó huệ trắng và khấn: Con là Nguyễn Tiến Xuân, hôm nay con đã ra với cha và từ giờ sẽ thường xuyên ra thăm cha. Giờ liên tục ra với quần đảo, nhưng thói quen thả hoa vẫn như lần đầu tiên”.
Những ngày đầu tháng 3.2018, khi tôi vào Vùng 4 HQ, xuống tàu 633 thăm thượng úy Nguyễn Tiến Xuân đúng lúc toàn tàu đang bước vào mùa huấn luyện. Xuân mướt mải mồ hôi chỉ huy bộ đội thực hành khoa mục báo động chiến đấu, tiêu diệt mục tiêu trên không… nhưng vẫn tranh thủ khoe: “Em sắp cưới vợ. Cô ấy làm ở Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa”. Chàng thuyền trưởng 8X thành thật: “Cưới nhau xong, em sẽ xin cho hai vợ chồng đi theo đoàn thăm Trường Sa để thắp hương cho cha. 30 năm nay cha nằm dưới biển, dẫu lâu đến bao nhiêu thì đó cũng là đất đai Tổ quốc mình, phải giữ gìn bảo vệ để các thế hệ sau mãi mãi vẫn phải nhớ mà góp phần gìn giữ”.
Quyết theo gương anh hùng
Vũ Xuân Đăng sinh năm 1983, hiện đang là trung úy quân nhân chuyên nghiệp, thủy thủ tàu 956 thuộc Lữ đoàn 125 Vùng 2 HQ. Đăng là con trai liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604 hy sinh ngày 14.3.1988 trên vùng biển Gạc Ma.
18 tuổi, Đăng thi vào Học viện HQ nhưng không trúng tuyển nên quyết định nhập ngũ vào Lữ đoàn 126 HQ. Sau thời gian phục vụ, Vũ Xuân Đăng đi học Trường trung cấp Kỹ thuật HQ (TP.HCM) và ra trường, công tác tại Ban Kỹ thuật của Lữ đoàn vận tải quân sự 125, Vùng 2 HQ. Quyết tâm đi theo con đường của cha, Đăng xin chỉ huy lữ đoàn cho xuống tàu đi biển và đến nay anh đã có mặt ở các đảo Trường Sa - nhà giàn DK1 trong nhiệm vụ vận tải, cứu hộ cứu nạn, trực chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất, quan trọng khác do quân chủng, vùng, lữ đoàn giao phó.
|
Bình luận (0)