Sáng 25.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí…
Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, người lao động tại TP.HCM và cả nước hiện mất việc rất nhiều. Bà Châu cũng dẫn chứng, ngay tại Q.1 rất sầm uất của TP.HCM đã có khoảng 30% cửa hiệu đóng cửa, “rất đáng lo ngại vì doanh nghiệp không chịu được chi phí, nhất là phí thuê mặt bằng”.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, từ số lượng công đoàn cơ sở giảm ở quận cho thấy số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể tăng lên đột biến.
Từ nơi bán hàng hiệu thành bãi giữ xe máy giữa trung tâm TP.HCM
Đáng nói, việc hỗ trợ người lao động cũng rất khó, vì có những doanh nghiệp chỉ trông đợi nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhưng khi nhận được chỉ hỗ trợ lại một phần cho người lao động, thậm chí đóng cửa ngay, trốn mất.
“Chúng tôi phải đối diện việc mỗi ngày người dân lên các công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng để khiếu nại. Đây là hậu quả việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan nhà nước thiếu hiệu quả, khiến người dân lãnh đủ. Số tiền thiệt hại rất khổng lồ, cũng tác động chung đến sự ảm đạm của nền kinh tế”, bà Châu nói.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên - Huế), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá tình hình rất khó khăn, “chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa gồng hết sức, đã cố gắng hạ lãi suất nhưng tiếp cận tín dụng vẫn hết sức khó khăn”.
Theo ông Nam, ngân hàng nói cố gắng hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp cho biết với mức lãi suất đó vẫn rất khó. Không chỉ khó thủ tục tiếp cận mà một số ngân hàng thương mại thu phí khác, gợi ý một số dịch vụ khác như là bảo hiểm.
“Đồng ý cho vay rồi, nhưng gợi ý mua thêm bảo hiểm. Nếu doanh nghiệp không mua hôm sau lên vay vốn thì anh đang bận họp”, ông Nam nói và đề xuất phải khơi thông mạnh mẽ hơn để nguồn vốn tới được doanh nghiệp.
Lo lãng phí nội lực
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế “đáng quan ngại, khả năng cao chỉ đạt dưới ngưỡng 6%”.
Ông Đồng dẫn ví dụ khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng tới 30% GDP nhưng gần như không tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP của cả năm 2023.
Các ngành được coi là trụ cột của xuất khẩu đều suy giảm so cùng kỳ năm trước, như sản xuất hàng điện tử giảm 4,3%; trang phục giảm 1,8%; gỗ giảm 9,6%; máy móc thiết bị giảm 1%.
Đại biểu này cũng cho biết, vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt là 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ. Điểm lưu ý là chính sách “thuế tối thiểu toàn cầu” có hiệu lực từ đầu năm tới cùng một chính sách không chính thức đang hình thành là nhà đầu tư phân biệt đối xử các quốc gia “theo phe được xếp vào”, khiến loạt các ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm lãi suất, song trên thực tế khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
“Lực cản lớn nhất nằm ở chỗ rủi ro tín dụng đang cao, khiến bên cho vay luôn đòi hỏi một mức bù lãi suất tương đối nếu khách hàng thực muốn vay và chấp nhận vay. Với nhóm khách hàng tốt, có mức tín nhiệm cao, sẽ có khả năng tiếp cận tín dụng với mức lãi suất tốt, nhưng thực tế với bối cảnh kinh tế hiện nay, họ không có nhiều nhu cầu vay mượn”, ông Đồng nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng đề nghị phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao GDP năm 2022 tăng 8,02% nhưng quý 1/2023 chỉ còn có 3,32%. Trả lời được câu hỏi này thì mới có giải pháp để tháo gỡ tổng thể được các vấn đề như tăng trưởng thấp, điểm nghẽn về tín dụng, yếu kém chậm khắc phục dự án thua lỗ…
Ông Nghĩa cũng cảnh báo lâu nay chỉ nói lãng phí tiền, nhưng lãng phí tiềm năng và cơ hội có khi quan trọng hơn. Bài học từ Singapore có dân số chỉ bằng phần nhỏ Việt Nam nhưng GDP có lúc gấp đôi, gấp 3 Việt Nam. Lý do vì nước này đã khai thác được tiềm năng và nội lực.
Bình luận (0)