Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM khẳng định khi trả lời Thanh Niên về kế hoạch triển khai hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 35.
Ngày 7.8, ông Võ Văn Hoan cho biết trong kế hoạch này, điểm mới nhất là việc UBND TP.HCM quyết định giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bố trí 1.000 tỉ đồng từ ngân sách TP để hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang doanh nghiệp; bố trí 2.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Theo ông Hoan, tinh thần khởi nghiệp ở đây từ các đối tượng khác nhau chứ không phải chỉ dành cho tuổi trẻ và người dân, hay nói cách khác người dân khởi nghiệp, doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển cũng phải khởi nghiệp. Cán bộ, công chức, tổ chức nhà nước đều phải trên tinh thần khởi nghiệp này mà tổ chức việc cho tốt.
* Vì sao TP bố trí 1.000 tỉ đồng từ ngân sách TP để hỗ trợ khởi nghiệp, thưa ông?
|
|
|
Nếu cách hỗ trợ, giải quyết ở cấp phường, xã, quận, huyện còn gây bức xúc, thì báo cho TP bằng nhiều kênh khác nhau: thư, e-mail, điện thoại đường dây nóng, kênh báo chí…, tất cả chúng tôi đều giải quyết hết. Sắp tới có trung tâm khởi nghiệp chắc chắn cũng sẽ giải quyết được
|
|
|
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM
|
|
|
- Ông Võ Văn Hoan: Đối với khởi nghiệp từ người dân và thanh niên, trước hết phải có tổ chức để hỗ trợ họ, vì họ chân ướt chân ráo, thậm chí mới là ý tưởng còn ở trên giảng đường, trong trường học, chưa trở thành một doanh nghiệp được. Ban đầu họ có thể không nắm rõ trình tự thủ tục, không thể có cơ hội về nguồn vốn để đầu tư, không có thị trường, không biết quản lý doanh nghiệp ra làm sao, không biết kế toán kiểm toán như thế nào… Nếu có biết thì cũng khá mờ mịt, hoặc mang tính lý thuyết mà thôi. Do vậy cần có tổ chức để hỗ trợ cho họ những bước đi đầu tiên.
* TP có tính đến việc sẽ thu lại kết quả từ số tiền 1.000 tỉ đồng này không?
- Vốn cho những người khởi nghiệp, có thể nói nôm na là bỏ 1.000 tỉ vào quỹ đầu tư mạo hiểm, nghĩa là đầu tư vào cái mới, cái đó chưa từng có, có thể có nhiều thất bại và đầu tư là có thể mất, khó có khả năng thu lại được. Dĩ nhiên trong 1.000 người, 1.000 công trình, 1.000 dự án ta đầu tư thì có thể khả năng 999 cái mất, chỉ có một cái được mà cái được đó là cái được lớn. Vì vậy thường chỉ có quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân mới làm được, nhà nước không làm nổi.
Tuy nhiên, 1.000 tỉ đồng của TP không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp vì sẽ dẫn đến tình trạng chúng ta thực hiện không đúng quy định pháp luật, ngân sách nhà nước không làm được cái này, tiền nhà nước bỏ vô phải thu về, mất là không được.
Chủ trương chung là tiến hành quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân. Nhưng trong khi chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân thì đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn để hỗ trợ. Đó chính là bố trí gói đầu tư 1.000 tỉ đồng này là để hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các kênh huấn luyện đào tạo… để tạo bước đi ban đầu, còn phần quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân phải là trụ cột.
* Đầu mối nào chịu trách nhiệm giải ngân khoản tiền này, và các trường hợp khởi nghiệp đến bao giờ có thể có cơ hội được hỗ trợ?
- Xuất phát từ thực tiễn đó, điều đầu tiên là phải có tổ chức, và đó là thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trực thuộc Sở Công thương, để hướng dẫn trình tự thủ tục; nếu trung tâm này phát triển được thì đây là nơi đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn những nghiệp vụ cơ bản của người lãnh đạo, người quản trị, nghiệp vụ kế toán…
Các trường hợp khởi nghiệp đến bao giờ có thể có cơ hội được hỗ trợ, thì tôi xin nói thế này: Chủ tịch UBND TP đã khẳng định đây là kế hoạch hành động chứ không phải kế hoạch trên giấy nên cũng sẽ nhanh thôi. Chủ trương đã có rồi, việc xúc tiến thành lập ngay trong năm nay để đi vào hoạt động.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động với năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững Ảnh: Tân Phú
|
* Trong quá trình khởi nghiệp, làm ăn, nếu người dân, doanh nghiệp bị “hành” thì có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo TP không?
- Những vấn đề người dân, doanh nghiệp bức xúc có thể phán ảnh qua tất cả các kênh. Các cấp chính quyền địa phương đều có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp, thì trước hết nội dung nào có liên quan đến cấp nào, liên quan đến ai thì doanh nghiệp hay thanh niên khởi nghiệp cứ liên hệ trực tiếp ở đó. Nếu cách hỗ trợ, giải quyết ở cấp phường, xã, quận, huyện còn gây bức xúc, thì báo cho TP bằng nhiều kênh khác nhau: thư, e-mail, điện thoại đường dây nóng, kênh báo chí…, tất cả chúng tôi đều giải quyết hết. Sắp tới có trung tâm khởi nghiệp chắc chắn cũng sẽ giải quyết được.
Chính quyền TP nhất quán chủ trương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, đầu tư; xử lý nghiêm minh các hành vi “hành” doanh nghiệp, người dân. TP đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động với năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Khởi nghiệp phải gắn liền đổi mới công nghệ
Về gói 2.000 tỉ đồng, ông Võ Văn Hoan cho rằng tính chuyện khởi nghiệp thôi thì chưa đủ, bởi nếu không có sự đổi mới cơ chế, cung cách, công nghệ để chúng ta quản lý chất lượng và hiệu quả hơn, không mở rộng thị trường, không tiếp cận nhu cầu mới, không tư duy sáng tạo thì chắc chắn cũng sẽ không tồn tại được, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới với việc chúng ta thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do.
“Như vậy khởi nghiệp ở đây còn là đổi mới công nghệ, phương cách, thiết bị để đứng vững trên thị trường, để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mình là thương hiệu của TP, hơn nữa là thương hiệu quốc gia. Tránh tình trạng những năm trước tiến hành việc cổ phần hóa, liên doanh liên kết nước ngoài, cuối cùng ta mất hết thương hiệu, như xà phòng, thuốc lá, bia bọt… dần mất hết, trở thành thương hiệu của người ta”, ông Hoan chia sẻ.
Ông Hoan cho biết TP sẽ giao cho Sở KH-CN làm đầu mối, trực tiếp chủ tài khoản 2.000 tỉ đồng này để kích cầu đổi mới công nghệ.
|
Bình luận (0)