32% người dân vẫn phải trả 'phí bôi trơn' để làm sổ đỏ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/04/2021 12:01 GMT+7

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa công bố sáng 14.4 cho thấy 32% người được hỏi cho biết phải trả "phí bôi trơn" khi làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Điểm kiểm soát tham nhũng cao nhất trong 10 năm

Kết quả phân tích các chỉ tiêu không thay đổi qua 10 năm (2011 - 2020) cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia có xu hướng cải thiện từng bước từ năm 2016 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ chính quyền các cấp giai đoạn 2016 - 2021.
Đáng lưu ý, điểm chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Báo cáo cho rằng, kết quả này phần nào phản ánh tác động của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Bên cạnh đó, điểm chỉ số nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân" gốc cũng tăng dần đều từ năm 2016 đến 2020.
Báo cáo phân tích, từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương.
Cụ thể, tỷ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng tiếp tục giảm.
"Xu hướng giảm này cũng bắt đầu từ năm 2016", báo cáo cho hay.

Trải nghiệm thực tế kém tươi sáng hơn cảm nhận

Tuy nhiên, báo cáo vừa công bố cũng cho biết, kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy "một bức tranh kém tươi sáng hơn".

Tỷ lệ người dân cho biết vẫn phải trả các khoản phí ngoài quy định khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc khi khám chữa bệnh

Ảnh từ báo cáo PAPI

Tỷ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020.
"Hơn 32% cho biết họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình", báo cáo nêu rõ.
Theo các tác giả, sự khác biệt giữa trải nghiệm thực tế của những người đã dùng dịch vụ và cảm nhận của người dân nói chung về nhũng nhiễu, hối lộ có thể là do tác động của truyền thông về công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, hoặc có thể là do hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ giảm dần. "Cần nghiên cứu sâu hơn về mức độ chênh lệch này", báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy tỷ lệ cho rằng quan hệ cá nhân là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng” tiếp tục giảm, mặc dù tỷ lệ này vẫn cao đến trên 60%.
Ở cả 5 vị trí được hỏi, tỷ lệ người trả lời cho rằng để xin việc làm vào 5 vị trí đó thì cần tới thân quen ở mức thấp nhất kể từ khảo sát năm 2011.

Miền Trung và miền Nam về đầu

Ở địa phương, báo cáo cho hay, 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019 về "kiểm soát tham nhũng". Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở chỉ số  này.
Có 6 tỉnh có mức sụt giảm điểm đáng kể so với kết quả năm 2019, trong đó, điểm của Ninh Thuận và Ninh Bình sụt giảm nhiều nhất
Theo báo cáo, 9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát 6 loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.
Báo cáo PAPI 2020 cũng chỉ rõ, so với kết quả năm 2016, kết quả 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng "vị thân") trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này.

Điểm thủ tục hành chính công giảm

Ngoài chỉ số Kiểm soát tham nhũng, báo cáo cũng cho biết, 2 chỉ số nội dung có xu hướng sụt giảm gồm chỉ số "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ và chỉ số ‘Thủ tục hành chính công". 

Tầm quan trọng về quan hệ cá nhân khi xin việc vào các cơ quan khu vực nhà nước từ năm 2011 - 2020

Ảnh từ báo cáo PAPI

Theo báo cáo, điểm chỉ số "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" sụt giảm chủ yếu là do điểm nội dung thành phần về hiệu quả huy động người dân tham gia đóng góp tự nguyện (thay vì bị ép buộc) vào các dự án công trình công cộng với mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Theo kết quả khảo sát, chỉ số này tăng dần kể từ năm 2016, song đến năm 2020 thì nội dung này giảm khá nhiều.
Báo cáo phân tích, nguyên nhân sụt giảm có thể là do tác động của đại dịch Covid-19 tới việc thực hiện các dự án công trình công cộng trong năm 2020.
Ở chỉ số "Thủ tục hành chính công", báo cáo cho rằng, dường như những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện dịch vụ hành chính công hiện nay tập trung vào những lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp nhiều hơn những lĩnh vực liên quan tới người dân.
Ở góc độ địa phương, bốn tỉnh gồm Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Thuận và Thái Nguyên đạt một số tiến bộ ở chỉ số "Thủ tục hành chính công" so với 2019.
Báo cáo cho hay, phần lớn các tỉnh, thành phố (trừ Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình và Bắc Ninh) đạt được một số tiến bộ trong cung ứng dịch vụ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2020 so với kết quả năm 2016.
So với năm 2016, chỉ tiêu có nhiều cải thiện trong năm 2020 là công khai phí và lệ phí làm thủ tục.
Tuy nhiên, năng lực thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ở cấp xã, phường vẫn là điểm yếu của khoảng 20 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo, các tỉnh, thành Khánh Hòa, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai và Cần Thơ là những tỉnh đạt số điểm thấp nhất ở chỉ tiêu này.
PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại T.Ư và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; được thực hiện từ 2009 tới nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.