330 năm Mỹ Tho đại phố

15/12/2009 10:12 GMT+7

(TNO) Đêm 14.12, lễ hội kỷ niệm đô thị Mỹ Tho 330 năm đã chính thức khai mạc tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) với chương trình sân khấu hóa tái hiện lịch sử 330 năm hình thành và phát triển đô thị Mỹ Tho (1679 - 2009).

Theo sử liệu ghi lại, từ đầu thế kỷ 17 đã có những nhóm lưu dân người Việt, bao gồm nhiều thành phần khác nhau từ vùng Thuận - Quảng vào định cư và lập nghiệp tại vùng đất mới này.

Đến năm 1679, nhóm người Hoa chống lại nhà Thanh do Dương Ngạn Địch, là Tổng binh Long Môn nhà Minh cầm đầu dẫn cả binh lính và chiến thuyền chạy sang xin tị nạn, được Chúa Nguyễn cho vào định cư tại vùng đất Vũng Gù - Mỹ Tho.

Tại đây, họ đã hòa nhập cùng với người Việt, người Khmer, tiến hành khẩn hoang, sản xuất rồi lập nên Mỹ Tho đại phố sầm uất, thu hút tàu thuyền tới lui buôn bán đông đúc vào thời bấy giờ.

Đến năm 1772, Chúa Nguyễn đã sai quan trấn Gia Định lấy đất này lập thành đạo Trường Đồn và đặt chức cai cơ, thư ký để cai trị.

Năm 1781 cải chỉnh Trường Đồn làm chỉnh Trấn Định. Đến năm 1806 thì đổi huyện Kiên Khương thành huyện Kiến An, năm 1808 cải chỉnh Trấn Định làm trấn Định Tường thuộc thành Gia Định và thăng huyện Kiến An làm phủ Kiến An…

Ngày xưa, vùng đất này cũng từng là nơi xảy ra nhiều trận chiến. Năm 1688, phó tướng của đạo quân Long Môn là Huỳnh Tấn đã bất ngờ nổi loạn, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi dời quân đến xứ Nam Khê (thuộc vùng Vàm Cỏ) chiếm cứ, đắp lũy, đóng chiến thuyền, đúc đại bác, không cho thương nhân qua lại, cướp bóc người dân địa phương và cầu viện Chân Lạp, nên Chúa Nguyễn phải nhiều lần sai quân đi đánh dẹp.

Đến năm 1785 lại xảy ra đánh nhau giữa quân Tây Sơn với quân Đông Sơn do Đỗ Thành Nhân chỉ huy và kéo dài nhiều năm ở vùng Rạch Chanh, Ba Giồng. Và đặc biệt là trận Tây Sơn phá tan năm vạn quân Xiêm trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút…

 

 Một góc khu công nghiệp Mỹ Tho

Mỹ Tho đại phố xưa tọa lạc tại làng Mỹ Chánh, nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho, bắt đầu từ bến Tắm Ngựa, chỗ tiếp giáp giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền, chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức bây giờ đến cầu Vĩ, Gò Cát (xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho ngày nay).

Nhờ nằm ở vị trí ngã ba sông, Mỹ Tho đại phố xưa thu hút nhiều ghe thuyền trong vùng đem sản vật tới mua bán tấp nập và từ thế kỷ 18 nơi đây trở thành thương cảng có buôn bán với nước ngoài như: Trung Hoa, Nhật Bản, Chân Lạp, Xiêm…

Cũng nhờ vậy mà kinh tế vùng Mỹ Tho phát triển nhanh chóng. Và từ thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong ba trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ, bao gồm cù lao Phố Biên Hòa và Hà Tiên.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, tuy gọi là đại phố nhưng Mỹ Tho hồi đó chỉ chừng hơn trăm căn phố vựa hàng nằm dọc theo hai con đường nay là Nguyễn An Ninh và Nguyễn Huỳnh Đức, ngó mặt xuống vàm Mỹ Tho.

Dãy phố phía đông nằm trên địa phận thôn Mỹ Chánh rất sung túc, lưng dựa vào Gò Cát. Đến năm 1792, chúa Nguyễn cho xây thành Trấn Định tại Gò Cát, bấy giờ các thương nhân cũng xây Toàn Bửu hội quán làm nơi giao dịch.

Theo Gia Định thành thông chí, tại Gò Cát còn có nhiều nhà nấu rượu. Rượu Gò Cát nổi tiếng ngon nên được đem ra bán tận kinh đô.

Vào thời đó, Mỹ Tho đại phố có ngôi chợ ngó ra Vàm Cầu Kè, giờ gọi là chợ Cũ. Đến năm 1826, khi nhà Nguyễn xây thành Định Tường thì ông Dương Văn Tuyên đã xây thêm một ngôi chợ mới nên có tên là chợ Tân Thành (địa điểm chợ Mỹ Tho ngày nay).

 

Diễu hành xe hoa trong đêm khai mạc

Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, tiến hành chia đặt địa lý hành chính và lập ra phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình, thì vùng đất Mỹ Tho cư dân còn thưa thớt, lại xa với trị sở hai huyện.

Thấy chưa vội bắt dân theo phép tắc nên Chúa Nguyễn bèn “lập chín trường biệt nạp biệt tái là Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ… cho dân tùy tiện lập ấp cày cấy cốt cho đồng ruộng được mở mang, lợi đất được khai thác...” (theo Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí).


Những tiết mục tái hiện lịch sử 330 năm của TP Mỹ Tho

Sau khi đã thiết lập sự quản lý hành chính trên vùng đất mới, nhằm tạo thuận lợi cho cư dân đẩy mạnh khẩn hoang, gia tăng sản xuất, ổn định xã hội, Chúa Nguyễn đã cho thực thi một chính sách dễ dãi nhằm khuyến khích dân chúng an cư lạc nghiệp.

Nhờ vậy mà bấy giờ người dân có thể tự do khai khẩn đất hoang. Ai muốn đến ở đâu, khai khẩn ruộng gò hay ruộng thấp thì tùy ý. Khi lựa chọn xong rồi, đất đai đã cho hoa lợi, thôn ấp đã hình thành, chỉ cần khai báo với chính quyền là được công nhận. Chính quyền không cần đo đạc, khám xét. Cũng nhờ vào chính sách dễ dãi đó mà dân cư của Mỹ Tho bấy giờ phát triển nhanh…

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, xác định Mỹ Tho hiện nay vẫn là trung tâm giao lưu hàng hóa, là hành lang nối liền vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.

Trong quy hoạch vùng kinh tế TP.HCM, Mỹ Tho được định hướng là đô thị trung tâm phía nam của vùng.

Vì vậy, phải thực hiện chiến lược kinh tế Mỹ Tho theo định hướng phát triển bền vững với cơ cấu thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; phấn đấu xây dựng Mỹ Tho thành đô thị văn minh hiện đại, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới ở các vùng ven, với mục tiêu hàng đầu là hình thành một đô thị Mỹ Tho xanh, sạch, đẹp và văn minh bên bờ sông Tiền.

Và đặc biệt, Mỹ Tho phải trở thành một địa bàn dân cư thanh bình, phồn thịnh và là điểm đến hấp dẫn của du khách.   

Bài, ảnh: Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.