336 ngày trong năm, xảy ra 355 vụ thảm sát ở Mỹ

03/12/2015 14:15 GMT+7

Tính tới ngày 2.12, năm 2015 đã qua được 336 ngày. Trong ngần đó thời gian, 355 vụ thảm sát đã xảy ra ở Mỹ, tức mỗi ngày hơn một vụ. Còn nếu tính riêng ngày 2.12, vụ xả súng ở California là vụ thứ 2.

Tính tới ngày 2.12, năm 2015 đã qua được 336 ngày. Trong ngần đó thời gian, 355 vụ thảm sát đã xảy ra ở Mỹ, tức mỗi ngày hơn một vụ. Còn nếu tính riêng ngày 2.12, vụ xả súng ở California là vụ thứ 2.

Hai người phụ nữ an ủi nhau sau vụ xả súng làm chết 14 người ở California hôm 2.12 - Ảnh: ReutersHai người phụ nữ an ủi nhau sau vụ xả súng làm chết 14 người ở California hôm 2.12 - Ảnh: Reuters
Chuyện thường ngày ở Mỹ
Tờ The Washington Post dẫn số liệu từ tổ chức Guns Are Cool đưa ra các con số kể trên. 355 là chỉ mới tính riêng thảm sát, được định nghĩa là vụ xả súng khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và bị thương, bao gồm cả hung thủ. Sẽ có nhiều số liệu khác nhau, tùy theo cách định nghĩa thế nào là thảm sát, chẳng hạn một số cuộc thống kê cho rằng thảm sát phải có yếu tố nhiều thành viên trong một gia đình là nạn nhân.
Trong khi xả súng từ lâu đã là chuyện thường ngày trên đất Mỹ, tình hình ngày càng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê kể trên thì mặc dù năm 2015 còn chưa kết thúc, số vụ thảm sát đã qua mặt năm 2014. Còn so với năm 2013 (363 vụ), con số này còn cao hơn rất nhiều.
Trong khi tin tức về vụ thảm sát tại San Bernardino, California hôm 2.12 tràn ngập mặt báo với ít nhất 14 người thiệt mạng, 2 nghi phạm bị cảnh sát bắn hạ, trước đó trong ngày, một vụ thảm sát khác cũng đã xảy ra trên đất Mỹ, tại Savannah (bang Georgia). Sở dĩ vụ này không thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận vì chỉ có... 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương.
Cảnh sát truy lùng hung thủ gây ra vụ thảm sát ở California hôm 2.12  - Ảnh: Reuters
Những vụ thảm sát “đáng nhớ” 2015
Chỉ mới hồi tuần trước, một tay súng bước vào phòng khám thai Planned Parenthood ở Colorado Springs (bang Colorado) và bóp cò khiến 3 người thiệt mạng, 9 người bị thương.
Còn hồi tháng 10, Christopher Sean Harper-Mercer được cho đã giết chết 8 bạn học và một giáo viên tại Trường Cao đẳng cộng đồng Umpqua thuộc bang Oregon. 9 người khác bị thương. Cảnh sát mô tả đó là một người sống trong hằn thù, có tư tưởng phân biệt chủng tộc, cho rằng chỉ người da trắng là ưu việt. Người này sở hữu đến 14 loại vũ khí khác nhau, tất cả đều hợp pháp. Harper-Mercer, mới 26 tuổi, đã tự sát sau khi đấu súng với cảnh sát.
Trước đó, hồi tháng 6, khi một người có tư tưởng phân biệt chủng tộc khác tên Storm Roof nổ súng tại một nhà thờ có đông người da đen lui tới tại bang South Carolina. Trước đó, người này giả vờ vào nhà thờ dự lễ rồi bất ngờ nổ súng. Anh ta đã chạy thoát nhưng sau đó bị bắt.
Lợi nhuận từ sản xuất và kinh doanh súng ở Mỹ rất lớn - Ảnh: Reuters
Những vụ “khó quên” trước 2015
Tháng 9. 2013, một kẻ được thuê ngoài để làm việc cho Hải quân Mỹ tên Aaron Alexis đã xả súng giết chết 12 người tại bang Washington, lôi cảnh sát vào một cuộc rượt đuổi thót tim. Người này cũng từng là thành viên của hải quân Mỹ và nhiều lần trốn nhiệm vụ, vắng mặt không lý do, kỷ luật kém. Vậy mà, anh ta vẫn được thuê ngoài để làm việc cho hải quân sau đó và vẫn mua được một khẩu súng trường để gây án.
Trước giáng sinh 2012, Adam Lanza đã lẻn vào Trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut, xả súng giết chết 20 học sinh lớp 1, thêm 6 người lớn rồi tự sát. Trước đó Adam đã giết mẹ đẻ tại nhà rồi mới tới trường học.
Lần đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vừa khóc vừa nói: “Hôm nay, trái tim tôi tan nát”. Nhưng từ sau nỗi đau của Tổng thống Obama, nước Mỹ đến nay vẫn tiếp tục là nơi xảy ra nhiều vụ xả súng hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này.
Cũng trong năm 2012, tháng 6, nước Mỹ phải chứng kiến một vụ thảm sát kinh hoàng khác ở nơi công cộng, lần này lấy đi mạng sống của 12 người, làm 58 người bị thương. James Holmes, 24 tuổi, đã vào một rạp chiếu phim ở bang Colorado khi bộ phim Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy đình đám thời đó đang trình chiếu và xả súng.
Tháng 10.2011, Scott Dekraai vào một tiệm làm tóc ở California, nơi vợ cũ của anh ta làm việc và nổ súng. 8 người thiệt mạng, bao gồm một tài xế trên một chiếc xe tải đậu trước tiệm hớt tóc. Dekraai lúc đó đang tranh giành quyền nuôi con với vợ cũ.
Tại một cửa hàng bán súng ở Mỹ  - Ảnh: Reuters
Tháng 8.2010, Omar S. Thornton - tài xế của hãng Hartford Distributors phải ra tòa liên quan đến một vụ kiện tụng vô kỷ luật công sở. Omar đã xả súng giết chết 8 người trong gia đình ông chủ công ty kể trên rồi tự sát.
Tháng 11.2009, đến 13 người chết, 32 người bị thương khi một bác sĩ tâm lý quân y tên Nidal Malik Hasan xả súng ngay ở căn cứ quân sự Ft. Hood thuộc bang Texas. Các nhà điều tra phát hiện Hasan từng trao đổi email với các thành viên Hồi giáo cực đoan.
Chỉ trước đó vài tháng, một người đàn ông tên Jiverly Voong đã bắn chết 13 người và làm bị thương nặng 4 người khác tại một trung tâm hỗ trợ người tị nạn ở New York.
Năm 2007, cả nước Mỹ bàng hoàng khi một sinh viên năm cuối tại trường Virginia Tech (bang Virginia) tên Seung-hui Cho đã xả súng ngay trong ký túc xá, sau đó là một tòa nhà liền kề thuộc trường học. Vụ việc kéo dài 2 giờ đồng hồ trước khi Cho tự sát. Tổng cộng 32 người đã thiệt mạng, 17 người bị thương.
Ngoài ra còn vụ xả súng ở trường trung học Columbine (bang Colorado) làm 13 người chết, 24 người bị thương năm 1999 và nhiều vụ nổ súng chết người khác đến mức không thể kể hết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.