35% bị cáo trong các vụ án tham nhũng năm 2018 là đảng viên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/12/2018 15:07 GMT+7

Trong số 472 bị cáo được đưa ra xét xử trong 200 vụ án tham nhũng năm 2018, có 166 bị cáo là đảng viên (35%), 117 bị cáo là cán bộ công chức (24,7%).

Gần 45% bị cáo phạm tội tham ô tài sản
Báo cáo kết quả xử lý tội về tham nhũng năm 2018 (tính từ 1.10.2017 đến 30.9.2018) của Chính phủ cho hay, ngoài 28 vụ án với 79 bị cáo còn lại từ trước, trong năm 2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý mới 340 vụ với 827 bị cáo. Tổng số vụ án phải giải quyết trong năm 2018 là 368 vụ với 906 bị cáo.
Trong số này, tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 200 vụ với 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, chiếm 54,3% số vụ và 52% số bị cáo.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong số các vụ án đã xét xử, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5%.
Tính theo tội danh thì tỷ lệ nhiều nhất là các vụ tham ô tài sản với 88 vụ, chiếm 44%, tiếp theo là các vụ lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ với 43 vụ, chiếm 21,5%.
Số bị cáo phạm tội tham ô tài sản cũng chiếm nhiều nhất với 211 bị cáo, chiếm 44,7%. Tiếp theo là các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ với 128 bị cáo, chiếm 27,11%.
Phân tích số liệu bị cáo đã xét xử cũng cho thấy, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và phạt tiền là 108 người, chiếm 21,8%; số người bị án tù chung thân và tử hình là 9 người, chiếm 1,9%.
Trong đó, nhiều nhất là các bị cáo bị tuyên phạt từ 3 năm từ trở xuống, với 172 bị cáo, chiếm 36,4%.
Số liệu cũng cho thấy, trong số 472 bị cáo đã bị xét xử thì có 166 bị cáo là đảng viên, chiếm 35%; 117 bị cáo là cán bộ công chức, chiếm 24,7%.
Bên cạnh đó, trong năm 2018 đã xét xử phúc thẩm 106 vụ với 268 bị cáo, trong đó không có bị cáo nào bị tăng nặng hình phạt, 98 bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
37/44 trường hợp xác minh tài sản thuộc Bộ Xây dựng
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, trong năm 2018, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.134.685 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai (1.136.902), còn 2.217 người thuộc diện phải kê khai chưa kê khai, chiếm 0,2%.
Trong số những người chưa kê khai, nhiều nhất thuộc về Bộ Quốc phòng với 811 trường hợp, Bộ Công an với 188 trường hợp. Tiếp theo là Ngân hàng Nhà nước 100 trường hợp, Bộ Tài chính 79 trường hợp và Bộ Giáo dục - Đào tạo 41 trường hợp.
Kết quả kê khai và xác minh tài sản kê khai năm 2018 Ảnh Lê Hiệp
 Số bản kê khai đã công khai là hơn 1,13 triệu bản, đạt tỷ lệ 99,8%, còn 1.679 bản kê khai chưa được công khai dưới cả 2 hình thức (công khai ở cuộc họp và theo hình thức niêm yết), chiếm 0,2%.
Trong số hơn 1 triệu người thuộc diện phải kê khai, có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, Bộ Xây dựng chiếm nhiều nhất với 37 người (84%), TP.HCM có 2 người, còn lại Bộ Công thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Yên Bái mỗi đơn vị, địa phương có 1 người.
Theo đó, việc xác minh tài sản trong năm 2018 chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do phản ánh của dư luận, nhân dân và báo chí.
Đáng chú ý là 37 trường hợp được xác minh về kê khai tài sản, thu nhập của Bộ Xây dựng không có trường hợp nào vi phạm. 6 trường hợp bị cơ quan thẩm quyền phát hiện vi phạm trong năm qua thuộc về 6 đơn vị, địa phương còn lại.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, tới thời điểm báo cáo, đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.
Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP.HCM; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trường hợp kê khai không trung thực tại thành phố Hà Nội đang tiếp tục xem xét kỷ luật.
Cán bộ nộp lại hơn 450 triệu tiền quà tặng
Về việc nộp lại quà tặng, năm 2018 đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng.
Cụ thể, tỉnh có nhiều cán bộ nộp lại quà tặng nhất là Bình Thuận với 9 cán bộ, tổng số tiền là 106,5 triệu đồng. Tuy nhiên, tỉnh có tổng số tiền nộp lại nhiều nhất là Tiền Giang với 122 triệu đồng, dù chỉ có 3 cán bộ nộp lại.
Tỉnh đứng thứ 2 về số tiền được nộp lại là Vĩnh Phúc với 120 triệu đồng, dù chỉ có 1 cán bộ thực hiện việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.