“10 năm liền bám trụ giữ đất Vị Xuyên, Hà Giang (1979 - 1989), hơn 4.000 bộ đội ta hy sinh, hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và ngày 12.7 hằng năm, cựu chiến binh chúng tôi chọn là ngày giỗ trận Vị Xuyên”, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2, nói.
|
Người nằm lại, muộn về
Từng là đại úy, Chính trị viên Đại đội 4 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356, Quân khu 2) nên ông Nguyễn Ngọc Tân (năm nay 61 tuổi, đang sống ở H.Trấn Yên, Yên Bái) nhớ như in thời điểm cuối tháng 6.1984, Trung đoàn 153 từ hậu cứ làng Pinh (xã Thanh Thủy, H.Vị Xuyên, Hà Giang) hành quân lên điểm cao 812, chuẩn bị cho chiến dịch MB-84 (phản kích lấy lại các điểm cao bị Trung Quốc chiếm đóng, trong ngày 12.7.1984). Vừa dừng nghỉ ven đường, đã bị lính Trung Quốc trên điểm cao 1509 gọi pháo bắn cấp tập khiến cả đội hình hỗn loạn, phó tham mưu trưởng trung đoàn hy sinh ngay tại chỗ.
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, Sư đoàn 313) kể, đầu tháng 7.1984, cấp trên mở chiến dịch phản kích MB-84 và sử dụng 3 trung đoàn bộ binh của các đơn vị mới được điều lên tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên là Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) tiến công điểm cao 772; Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 149, Sư đoàn 356) đánh điểm cao 685; Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316) tiến công điểm cao 233, bình độ 300, 400. Phía đông sông Lô sử dụng Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) đánh điểm cao 1030. Rút kinh nghiệm, lần này cấp trên lệnh tiến công vào ban ngày.
|
Rạng sáng 12.7.1984. Sau khi hỏa lực bắn phá, bộ binh vừa xung phong thì pháo binh địch bắn trùm lên đội hình ta, gây thương vong lớn. “Do chuẩn bị chưa chu đáo, việc nắm tình hình và đánh giá đối phương chưa đúng, quyết tâm và cách đánh chưa phù hợp nên trận đánh không thành công”, thiếu tướng Toái nhìn nhận.
Chiều tối 12.7.1984, các trung đoàn 14, 266 (Sư đoàn 313) và Trung đoàn 149 (Sư đoàn 356) được lệnh cơ động vào phòng ngự để các đơn vị bạn lui ra củng cố. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm bởi bộ đội vừa rút ra chưa được 24 giờ, không có thời gian sinh hoạt củng cố, tham gia vận chuyển thương binh cả ngày, tối trở lại ngay trận địa phòng ngự… Chỉ huy các đơn vị phải trực tiếp đến từng đại đội động viên bộ đội làm nhiệm vụ phòng ngự, kiên quyết không cho đối phương lấn chiếm.
Với chiến sĩ Hoàng Văn Phú (Đại đội 4, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 356) thì rạng sáng 12.7.1984, đang ngủ ở đài trinh sát pháo binh trên điểm cao 812, thì bị kéo cổ: “Dậy mau, đánh nhau rồi”. Trong tiếng pháo của 2 bên, anh Phú thấy tổ thông tin bên cạnh rối mù truyền tin “chiếm được điểm này”, “bị mất chốt kia”… Trời sáng rõ, thấy một số người lính bộ binh chạy về, người cầm súng hết đạn, người chỉ có quả lựu đạn cầu, ai cũng lấm lem bùn đất và khói đạn. Thấy 2 đồng hương bị thương, anh Phú phụ giúp đưa vào trạm phẫu ở hang làng Pinh. “Càng ngày thương binh càng kéo xuống đông, chủ yếu là những ca nặng. Trước cửa hang có cái lán dã chiến, những ca nặng về đến nơi hy sinh thì đem thẳng ra lán. Chưa đầy buổi sáng 12.7.1984, cái lán dã chiến dài hàng chục mét đã xếp 2 hàng tử sĩ chật kín”, ông Hoàng Văn Phú kể lại.
Trực tiếp đưa các chiến sĩ hy sinh ở điểm cao 772 về phía sau, đại úy Nguyễn Ngọc Tân hồi tưởng: “Từ sáng 12.7.1984 cho đến cả tuần sau, Đại đội 4 của tôi huy động đến cả “anh nuôi” đi vận chuyển liệt sĩ. Trong đêm tối, đường đi dốc cheo leo, trên điểm cao là kẻ địch rình rập, bên dưới chân đồi anh em mình nằm đó. Chúng tôi phải đưa cáng vào chuyển anh em ra. Mùi thi thể rất đậm nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Quân y phát khẩu trang, dầu gió “con hổ” nhưng bôi cả hộp vẫn không át được mùi”.
|
Anh Danh ơi, giờ nằm đâu ?
Trung tuần tháng 12.1984, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Tân cùng Đại đội 4 lên thay nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự ở điểm cao 685 và được bố trí làm đại đội vận tải, ở trong hang Làng Lò, ngay sau điểm cao 685, 772. “Cuối tháng 12.1984, đầu tháng 1.1985, mùa đông rét cắt thịt, pháo bắn suốt ngày đêm mà muỗi rừng trong hang nhiều như trấu, đốt đến thót tim. Sinh hoạt cực kỳ thiếu thốn, ăn toàn đồ hộp, thỉnh thoảng đưa được mớ rau muống lên thì chỉ còn cọng rau vàng, già úa. Gian khổ vậy nhưng những lúc ngưng tiếng súng, mọi người quây quần bên nhau rất bình yên như ở quê”, đại úy Tân kể.
(còn tiếp)
Bình luận (0)