Phần đầu, về sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Người khẳng định giải phóng miền Nam và qua đó, giải phóng hoàn toàn và thống nhất đất nước như một tất yếu, dù phải kéo dài, đặc biệt ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Người đã vạch viễn ảnh "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay". Sự thật đã diễn ra như Người đoán. Bác mất năm 1969, sáu năm sau, dân tộc Việt Nam giành đại thắng tháng 4/1975. Từ đó, Việt Nam từng bước tăng nội lực trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng kinh tế, ổn định chính trị và khi chúng ta kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người, Việt Nam đang trên đà phát triển, đã có mặt trong những quốc gia chiến thắng cái đói, vượt cái nghèo, nâng đời sống toàn thể nhân dân lên bình độ chưa từng có trước đây.
Phần thứ hai mới là phần quan trọng hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ một Đảng Cộng sản cầm quyền, sau Lênin, đã nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền cùng những lo lắng, răn đe. Không phải chỉ trong Di chúc, mà hầu hết trước tác của Hồ Chí Minh từ năm 1945, khi Đảng Cộng sản bắt đầu cầm quyền sau Cách mạng tháng Tám, ngay sự cầm quyền ấy chưa hoàn toàn trong phạm vi cả nước, vừa xây dựng chính quyền vừa kháng chiến, Người đã luôn luôn nhắc đến việc chính quyền do Đảng Cộng sản phải là chính quyền vì dân, do dân, gắn bó với dân, trung thành với dân, người đầy tớ trung thành của dân. Bức thư đầu tiên Người gửi các đồng chí Bắc Bộ năm 1947, khi kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu vài tháng và khi mà các quốc gia xã hội chủ nghĩa chưa ai cảnh giác con đường hiểm nguy của Đảng Cộng sản cầm quyền mà thoát ly nguyên lý cộng sản cơ bản - tức phục vụ dân, lấy dân làm gốc - thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo động với ý thức và lời lẽ vừa thiết tha vừa nghiêm khắc, lấy sự việc ngay trong đời sống hằng ngày. Cho nên, bài học lớn nhất mà chúng ta rút ra từ Di chúc của Người chính là phần cốt lõi này.
Là một người theo chủ nghĩa cộng sản đồng thời là người phương Đông, lịch sử đặt cho trí tuệ của Người sự suy nghĩ có chiều sâu, bao quát bởi bao nhiêu triều đại ngả nghiêng khi không hiểu lời của Nguyễn Trãi: Dân nâng thuyền và dân có thể lật thuyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần lời dạy của người xưa: Tu thân, tề gia, trị quốc. Đảng Cộng sản cầm quyền mà không coi trọng tu thân thì khó tề gia, càng khó trị quốc. Đảng lãnh đạo gồm năng lực tiên phong và đạo đức tiên phong. Bài học này đâu cũng có, lúc nào cũng có, thời chiến hay thời bình, xử lý chuyện gia đình, chòm xóm, đội ngũ hay rộng lớn hơn. Đảng không gương mẫu - không dự kiến các tình huống sẽ xảy ra dù do những nguyên nhân nào - thiên nhiên, xã hội, quan hệ quốc tế... thì khó có đối sách tốt. Đảng không gương mẫu, nặng tư lợi, nặng quyền bính, thì Đảng chỉ còn là một hàng hội. Đảng viên háo danh, tự ca ngợi mình mà tham lam, lợi dụng chức quyền, dung túng cho vợ con thân thuộc phạm các tội lừa đảo, ăn hối lộ, buôn lậu... tức vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội thì còn tệ hơn một tội phạm thường dân. Tiên phong là làm gương, lãnh đạo là dẫn đường - không làm gương thì chẳng thể dẫn đường đúng.
Cái băn khoăn cuối cùng của tôi: Ta nhắc hằng ngày, hằng giờ lời và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song lần lần nặng về hình thức, về hô hào mà coi nhẹ "Làm theo lời Bác", kể cả một số cán bộ chức quyền cao. Hình như mọi người phải nhớ lời Bác, còn một số người khác thì đứng ngoài. Băn khoăn còn đó, đồng thời tôi hiểu Đảng ta là một tổ chức dân chủ hơn mọi tổ chức xã hội, dân chủ tiên phong, là một đoàn thể có kỷ cương trong một nước đang xây dựng kỷ cương, nên hoàn toàn trong tầm tay của Đảng xử lý mọi bất cập từ nội bộ Đảng. Băn khoăn đi đôi với hy vọng.
5/2005
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)