370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa

31/03/2023 14:45 GMT+7

Ngày 31.3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tính từ năm 1653 đến nay, Khánh Hòa vừa tròn 370 năm xây dựng và phát triển. Trong quá trình lịch sử đó, cộng đồng các dân tộc tại Khánh Hòa, với những con người thuần hậu, hiền hòa, đã cần cù lao động, đoàn kết với nhau để ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt, tạo nên một "Xứ trầm, biển yến" với nền văn hóa phong phú và độc đáo, thống nhất trong đa dạng.

370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 1.

ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

THẾ QUANG

Theo ông Toàn, hiện nay Khánh Hòa đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 và Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đang trong thời điểm nước rút lấy ý kiếm, thẩm định để phê duyệt. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để tỉnh xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư, nhà khoa học trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa…

"Thông qua hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và quý vị đại biểu bằng những tình cảm và sự quan tâm của mình với tỉnh Khánh Hòa, sẽ đóng góp cho tỉnh nhiều giải pháp, kiến nghị quan trọng, có ý nghĩa trên các lĩnh vực. Từ đó, giúp tỉnh có những căn cứ khoa học và thực tiễn để vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh đã đề ra", ông Toàn cho biết.

Tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc cho rằng, con số 370 năm mà hôm nay chúng ta chọn để kỷ niệm chỉ là một cái mốc đối của lịch sử. Sau cuộc chinh phục bằng vũ lực của của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tân, dải đất từ Đèo Cả đến Phan Rang (nay thuộc Ninh Thuận) đã được minh định vào lãnh thổ Đại Việt. Bởi vậy, nói đến lịch sử vùng đất tỉnh Khánh Hòa ngày nay không chỉ là lịch sử những gì bắt đầu từ 370 năm trước mà bao gồm toàn bộ lịch sử từ khi con người tồn tại trên vùng đất này và đến nay là một bộ phận của nước Việt Nam đương đại.

"Kỷ niệm 370 năm ngày thành lập Khánh Hòa cũng chính là cơ hội chúng ta kiểm kê lại một cách sát sao những tài nguyên và tài sản của quá khứ, gắn với những giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại. Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa", ông Quốc nói.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, lợi thế của Khánh Hòa có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác, không chỉ về quy mô, phạm vi mà quan trọng hơn ở tính đặc sắc và đẳng cấp.

370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tham luận

THẾ QUANG

Tuy nhiên, ông cho rằng, Khánh Hòa vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức mặc dù năm 2022 địa phương này đã có sự phát triển đột phá. Năm này, GRDP Khánh Hòa tăng trưởng 20,7%, đây là mức tăng cao nhất cả nước và cao nhất trong lịch sử tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Để có được sự thành công đó, theo ông Thiên đến từ 3 yếu tố. Thứ nhất, quy hoạch lại phát triển tỉnh trên tất cả các tuyến và các cấp, nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh, xác định rõ điều kiện cần và đủ bảo đảm chuyển hóa lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, để trên cơ sở đó, thực hiện hóa tiềm năng - lợi thế thành lợi ích phát triển.

Thứ 2 là tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cộng hưởng. Cuối cùng tỉnh xác định vị thế mới, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ trung ương.

"Bước vào giai đoạn mới, khánh Hòa đã có một điểm khởi đầu 2022 đầy hứa hẹn, tất nhiên, không thể lạc quan quá sớm. Kinh nghiệm của chính Khánh Hòa và nhiều tỉnh khác cho thấy nguy cơ trả giá cho những thành công đến sớm, đến nhanh, hứng khởi quá mức nhiều khi là không nhỏ. Khánh Hòa còn nhiều việc phải làm. Những thách thức gay go nhất có lẽ đang còn ở phía trước", PGS.TS Thiên nhận định.

Giới thiệu sản vật của địa phương đến hội thảo, ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa, cho biết bên cạnh những giá trị về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, dược tính và những công dụng của trầm hương đối với sức khỏe thể chất và tinh thần con người cũng được công nhận rộng rãi. Đặc biệt, trầm hương Khánh Hòa sở hữu mùi hương tinh tế vượt lên trên tất cả do những điều kiện đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này tạo nên.

370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa

THẾ QUANG

Ông Tưởng cho rằng, ý tưởng xây dựng "Làng Hòa bình và Sáng tạo Nha Trang" với trung tâm không gian văn hóa thiền trầm là một bước đột phá. "Tại đây, mọi quốc gia, sắc tộc và tôn giáo tìm được tiếng nói chung trong không gian linh thiêng, trong sạch và hướng thiện của trầm", ông Tưởng nói.

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết xét về khía cạnh quốc phòng - an ninh, vị trí của Khánh Hòa có 3 đặc điểm đáng chú ý, bao gồm đặc điểm địa lý quân sự, đặc điểm lịch sử và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh.

Ông cho rằng, Khánh Hòa có một vị thế xung yếu về quốc phòng – an ninh. Yếu tố có giá trị không chỉ đối với toàn bộ khu vực Tây nguyên – nam Trung bộ, mà còn hết sức trọng yếu và nhạy cảm đối với cả nước. Trong đó, trước hết và quan trọng nhất chính là nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và vị thế quốc tế của Việt Nam liên quan tới các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế trên khu vực biển Đông...

"Không hề tình cờ khi một trong những chiếc tàu ngầm của Hải quân Việt Nam được đặt tên "Khánh Hòa". Vị trí địa lý quân sự, đặc điểm lịch sử và các lợi ích quốc gia gắn với kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh trên địa bàn đã đặt Khánh Hòa vào một vị thế có ý nghĩa chiến lược hết sức đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sứ mệnh quốc phòng, quân sự gắn với địa bàn Khánh Hòa không chỉ giới hạn trong trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, không chỉ là trách nhiệm của Quân khu V và Quân chủng Hải quân, mà là trách nhiệm chung của cả nước, của cả hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang", tham luận của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó nhiều đại biểu tham gia hội thảo còn có các bài tham luận về khai thác giá trị tài nguyên, môi trường biển đảo và phát triển kinh tế bền vững (PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo); Phát triển kinh tế biển đảo ở Trường Sa (PGS.TS Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân); Khánh Hòa phát triển kinh tế đối ngoại trong tiến trình hội nhập quốc tế (ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại) ...



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.