Rất lâu từ trước khi nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc đã vào cuộc, thể hiện mình là cường quốc kinh tế trong một loạt lĩnh vực.
Trung Quốc đã tích cực thể hiện mình là cường quốc kinh tế ngay từ trước khi nhân dân tệ được công nhận là đồng tiền dự trữ quốc tế bởi IMF - Ảnh: Reuters |
TheoBloomberg hôm nay 1.12, dưới đây là 4 lĩnh vực mà nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã và đang ra sức thể hiện tầm ảnh hưởng của mình.
1. Dự trữ ngoại hối
Biểu đồ so sánh dự trữ ngoại hối của Trung Quốc với các nước Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, các nước dùng đồng tiền chung châu Âu, Anh và Mỹ - Ảnh: Bloomberg
|
Trung Quốc sở hữu dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, được cho là vào khoảng 3.530 tỉ USD. Con số này còn lớn hơn cả dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, khối 19 quốc gia dùng đồng euro, Anh và Mỹ cộng lại, theo số liệu của Bloomberg. Một “biển” ngoại tệ tiền mặt có thể giúp nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đại lục đứng vững trước các cú sốc từ bên ngoài.
2. Chi tiêu quân sự
Mức tăng chi tiêu quân sự của các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út, Pháp và Anh từ năm 2005 đến 2014 - Ảnh: Bloomberg
|
Đứng sau Mỹ, Trung Quốc là nước chi tiêu cho quân sự lớn nhất thế giới. Những tham vọng phi lý của nước này ở Biển Đông đã gia tăng trong thập niên qua, hệt như chi tiêu cho quốc phòng của họ. Năm 2014, Trung Quốc chi 216 tỉ cho quân sự, gấp 1,7 lần so với hồi năm 2005, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
3. Ngân sách của Liên Hiệp Quốc
Sức mạnh kinh tế lớn đi kèm với trách nhiệm lớn hơn.
Tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đang được yêu cầu gia tăng trọng lượng của nước này. Đóng góp dự kiến của Đại lục cho ngân sách năm 2016 - 2018 của Liên Hiệp Quốc là 5,57 tỉ USD cần được tăng lên 7,9% từ mức 5,2% trong giai đoạn 2012 - 2015. Đây là đánh giá của một ủy ban thuộc Liên Hiệp Quốc.
Con số như trên sẽ đặt Trung Quốc vào danh sách 3 nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hằng năm của Liên Hiệp Quốc. Như thế, tiếng nói Đại lục về cách phân bổ ngân sách của tổ chức cho các chương trình phát triển quốc tế, hòa bình và an ninh cũng tăng lên. Song nó cũng khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc khẳng định mình là một quốc gia đang phát triển.
Nếu được chấp thuận, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức, trở thành nước đóng góp nhiều thứ ba cho Liên Hiệp Quốc. Hiện Đại lục đang đứng vị trí thứ 6, trong khi Mỹ thì góp đến 1/5 tổng chi tiêu của Liên Hiệp Quốc.
4. Ngân hàng khu vực châu Á
FDI của Trung Quốc đổ vào châu Á tăng, trong khi của Nhật Bản và Mỹ thì giảm - Ảnh: Bloomberg
|
Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) trong năm nay như một phần trong nỗ lực nâng cao vai trò của bản tệ nước nhà. Hiện AIIB đã có 50 nước là thành viên sáng lập và có 100 tỉ USD làm vốn điều lệ. Một nửa số vốn góp bằng tiền là 50 tỉ USD của AIIB đến từ Trung Quốc.
Bình luận (0)