Nhận tin đậu đại học, căn nhà chưa dứt tiếng reo vui đã đầy những nỗi lo chất ngất: tiền đâu đi học? Những ngày này, các tân sinh viên đang trở về nhà để đi làm thuê kiếm tiền nhập học.
Hai anh bạn tảo tần
Trên cánh đồng ngút ngàn, Nguyện đang nặng nhọc vác từng rổ cà chua lên xe. Ông chủ đồng cà chua nói: “Nó theo tui hái cà, bốc vác... Mưa hay nắng gì cũng có mặt. Mỗi ngày được 50.000 đồng, nó bảo tích cóp về Sài Gòn đi học đại học”.
Cái tin Trần Văn Nguyện (Quảng Lợi, Quảng Lập, Đơn Dương) đậu vào ngành bảo vệ thực vật ĐH Nông lâm TP.HCM được loan từ đó. “Em muốn học ngành này để về sản xuất rau sạch cho bà con. Không chỉ muốn thoát nghèo mà phải đưa xứ rau của mình thành thương hiệu khi ra bên ngoài”, Nguyện cho biết.
|
Mẹ bỏ đi từ nhỏ, Nguyện lớn lên với cha. Mấy năm sau cha tục huyền, Nguyện có thêm hai người em cùng cha khác mẹ. Cha ngày ngày đi bốc vác thuê, mẹ kế đi làm công cho người ta để nuôi Nguyện ăn học. Thấy hoàn cảnh gia đình như vậy, Nguyện luôn quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ. Hết lớp 9 Nguyện nhận được học bổng “nhà nghèo, học giỏi”, được đưa về làng SOS ở rồi tiếp tục học phổ thông.
Còn Nguyễn Duy Thân ba năm học THPT cũng được ở làng SOS nhờ thành tích học giỏi từ các lớp dưới. Anh chàng nhà nghèo ở Đạ Ploa, Đạ Huoai ngày ngày thường phụ mẹ vào rừng bẻ măng, nấu măng bán vừa trở thành tân sinh viên ngành xây dựng cầu đường ĐH Bách khoa TP.HCM. Liên tiếp ba năm học phổ thông Thân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 12 Thân đoạt giải khuyến khích môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
|
Ông Nguyễn Khoa, cha Thân, ngồi nhìn đứa con ốm nhom, chắc lưỡi: “Đậu thì cũng mừng lắm, sau này nó sẽ không còn khổ nữa. Nhưng lo nó sức yếu, ở Sài Gòn không làm thuê nổi để kiếm tiền ăn học...”.
Vừa vui vừa lo
|
Phía sau căn nhà xập xệ, bên chuồng heo, Nguyễn Văn Tiến (thôn Pró, Đơn Dương, vừa thi đậu vào Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM) đang quét dọn, kỳ cọ cho đàn heo con. “Chị em bảo sẽ bán bầy heo này cho em nhập học”. Từ ngày nhận giấy báo trúng tuyển, hai chị em vừa vui vừa lo ngay ngáy.
Sinh ra và lớn lên tại Bình Định, thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào một sào ruộng và một con bê. Đất miền Trung nắng gió, lụt bão quanh năm khiến sào lúa của ba mẹ Tiến thường xuyên mất mùa. Không kham nổi chuyện học của con nên ba mẹ có ý định cho Tiến nghỉ học. Thấy vậy chị gái Tiến đã đưa em vào Lâm Đồng học tiếp lớp 9. Rồi chị có gia đình, Tiến sống chung với gia đình nhỏ nghèo khó này. Cách đây năm năm anh rể mất, Tiến vừa phụ chị làm việc nhà và đồng áng, vừa trông cháu. Những ngày này, hai chị em Tiến làm đồng quần quật để “kiếm tiền cho em đi học”.
Ở thôn Suối Thông B1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương dường như đứa trẻ nào cũng đều biết Hoàng “ở cái căn nhà nhỏ cuối vườn cà”. Ở xóm nhỏ này, Hoàng luôn được người lớn lấy ra làm gương cho tụi nhỏ, nhất là khi nghe tin cậu học trò nghèo ấy chuẩn bị đi “học làm thầy giáo”. Nguyễn Huy Hoàng vừa thi đậu vào ngành sư phạm vật lý Trường ĐH Đà Lạt.
Mồ côi cha từ nhỏ, một mình mẹ sớm hôm buôn thúng bán bưng, làm thuê làm mướn để nuôi ba chị em ăn học (trong đó hai chị đã học ĐH-CĐ), giờ đây Hoàng cũng chuẩn bị bước vào giảng đường đại học. Gia đình chỉ có hai sào bắp mà thời gian qua do sức khỏe yếu, bệnh tật triền miên nên người mẹ cũng không trồng, nhường lại cho người anh họ trồng cà một vụ để lấy tiền mua phân trồng bắp mùa tới.
Để kiếm thêm tiền phụ mẹ, Hoàng lại tìm đến những công ty hoa làm thêm. Có tiền, Hoàng lo thuốc thang cho mẹ, còn lại thì dành dụm mua sách vở để học. Được Làng SOS Đà Lạt giúp đỡ chuyện ăn, ở, học trong suốt ba năm phổ thông nhưng giờ chuyển sang môi trường mới, Hoàng không khỏi lo lắng. “Học sư phạm không đóng học phí nên em sẽ tranh thủ đi dạy thêm, làm hoa để có thể trang trải cuộc sống mới tại Đà Lạt” - Hoàng bộc bạch.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)