4 cơ hội lớn cho điện ảnh Việt khi 'bắt tay' với Hàn Quốc

25/06/2016 14:33 GMT+7

Doanh thu tốt từ phim làm lại của điện ảnh Hàn cùng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống rạp phim tại nước ta khiến các nhà điện ảnh Hàn đẩy mạnh hợp tác. Điện ảnh Việt đang đứng trước nhiều cơ hội mới.

Không thể phủ nhận rằng nếu thực hiện được đúng tinh thần của Hội thảo điện ảnh Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc (từ ngày 22 - 24.6 tại TP.HCM) cùng những nội dung cam kết trong Bản ghi nhớ hợp tác phát triển điện ảnh Việt - Hàn (ký sáng 23.6 tại TP.HCM), điện ảnh Việt sẽ có 4 cơ hội lớn: đẩy mạnh số lượng phim sản xuất, thúc đẩy doanh thu phòng vé vượt trội, tiếp thu được kỹ xảo điện ảnh tiên tiến và đào tạo được nguồn nhân lực giỏi.
102 tỉ đồng và hơn thế nữa
Nhìn lại lịch sử doanh thu phòng vé tại Việt Nam thời gian qua sẽ dễ dàng nhận thấy những phim đoạt kỷ lục doanh thu phần lớn đều là phim hợp tác với Hàn hoặc là phim làm lại từ điện ảnh Hàn. Chẳng hạn phim giữ kỷ lục doanh thu số 1 Việt Nam tính tới nay là Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) với 102 tỉ đồng (tính tới ngày 22.2.2016) làm lại từ phim Miss Granny (Hàn Quốc). Đây cũng là phim soán kỷ lục doanh thu năm 2015 của Để mai tính 2 (đạo diễn Charlies Nguyễn) với 101 tỉ đồng, hãng Chánh Phương (Việt Nam) hợp tác với công ty giải trí CJ E&M (thuộc tập đoàn CJ của Hàn Quốc).
Trước đó cũng có không ít phim truyền hình và phim truyện hợp tác Việt - Hàn được khán giả đánh giá cao như: phim truyền hình 106 tập Mùi ngò gai (2006, Hãng phim Gia đình Việt-Vifa hợp tác với CJ Media), phim truyền hình 64 tập Cô dâu vàng (Hãng phim truyện I hợp tác với kênh SBS, giải thưởng phim truyền hình hay nhất tại Liên hoan phim Seoul 2008), phim truyền hình 24 tập Lẵng hoa tình yêu (TFS hợp tác với FNC), phim truyện kinh dị Mười (2007, Bily Pictures hợp tác với Công ty giải trí Phước Sang), phim truyền hình 36 tập Tuổi thanh xuân (VTV hợp tác với CJ E&M)…
Ngay từ năm 2014, Trưởng đại diện bộ phận kinh doanh nước ngoài Kim Seong-eun của công ty giải trí CJ E&M tuyên bố công ty sẽ tiếp tục hợp tác với các hãng phim Việt để tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, đóng góp vào hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước Hàn - Việt. Mục tiêu của công ty này là bằng những kinh nghiệm đi trước trong lĩnh vực điện ảnh, CJ E&M tập trung phát triển thị trường tại Việt Nam và qua đó đẩy mạnh thâm nhập thị trường thế giới của điện ảnh Hàn.
Chính vì vậy hướng hợp tác sản xuất phim theo kiểu phim làm lại (remake) được phía Hàn yêu thích đưa ra, dựa trên những bộ phim Hàn đã thành công và có nội dung phù hợp với phong tục tập quán của người Việt. “Tuy nhiên chúng tôi cũng mở rộng tự do để phía Việt Nam có thể chỉnh sửa”, ông Kim Hyon-soo - Giám đốc Ban nghiên cứu chính sách của Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic) nhấn mạnh.
Tuy nhiên cũng có không ít đơn vị làm phim Việt cho rằng sản xuất phim làm lại (remake) không hẳn là hướng đi duy nhất trong việc hợp tác làm phim Việt - Hàn. “Nếu việc hợp tác biến phim Việt chỉ thành các phim remake thì quả thực rất đáng lo ngại cho việc phát triển điện ảnh Việt”, nhà biên kịch Châu Thổ thẳng thắn nói. Chị cũng cho hay công ty SenaFilm của chị ban đầu định “làm lại” phim Single của Hàn Quốc, nhưng sau do cảm thấy chưa phù hợp, nên tự viết lại 90% kịch bản phim và thuyết phục phía Hàn Quốc chấp thuận.
Ông Đỗ Duy Anh - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cũng khuyến khích cách làm phim remake bằng cách viết lại kịch bản để phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc. Ông cũng công bố nhiều chính sách mới của nhà nước, hỗ trợ cho hợp tác phát triển điện ảnh với chỉ tiêu sản xuất phim tăng cao từ 25 - 30 phim (2015), 40 - 45 phim (2020), 55 - 60 phim (2030). Tuy nhiên con số 41 phim Việt thực tế đã sản xuất trong 2015 (chiếm 17% tổng số phim đã phát hành tại Việt Nam) đã vượt trội so với kế hoạch ban đầu. Đây thực sự là điều đáng mừng và khiến nhiều đơn vị sản xuất tiếp thêm sinh khí.
Vấn đề đặt ra là làm sao len chân vào được một rạp đối với các phim nội địa của các hãng nhỏ và đạo diễn trẻ chưa danh tiếng bởi thị phần rạp do người Việt làm chủ hiện quá ít (chỉ chiếm 25,6%, 138/538 phòng chiếu cả nước). Điều đáng nói là trong 538 phòng chiếu phim cả nước tại Việt Nam năm 2015, các công ty Việt Nam chỉ có 138 phòng chiếu, còn lại đều do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ, trong đó có 2 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc là CGV (190 phòng chiếu), Lotte (111 phòng chiếu) đang hoạt động rất hiệu quả.
Đại diện điện ảnh Việt - Hàn tham gia hội thảo Lucy Nguyễn
Hợp tác kỹ xảo tiên tiến và đào tạo nhân lực giỏi
Bên cạnh hướng hợp tác sản xuất phim, các hướng hợp tác về kỹ xảo điện ảnh, làm phim hoạt hình cũng được nhiều công ty Việt - Hàn đặc biệt chú trọng, xúc tiến bàn thảo trong các dự án sắp tới. Đại diện của Badclay Studio - một công ty thành lập tại Việt Nam từ năm 2013 bởi hai họa sĩ người Pháp gốc Việt, cho biết họ muốn tìm kiếm hợp tác để làm ra các sản phẩm thương mại có giá trị nghệ thuật trên trường quốc tế. Họ từng thực hiện dịch vụ kỹ xảo điện ảnh thành công trong nhiều siêu phẩm Hollywood như Mad Max: Fury Road, Siêu nhân X… hoặc trong các phim Việt thời gian qua như Truy sát, Em là bà nội của anh, Bao giờ có yêu nhau
Đại diện của công ty Cyclo (thành lập tại Việt Nam năm 2008, từ một người Đức gốc Việt) cũng ngỏ ý muốn có cơ hội hợp tác. Trong 4 năm qua, công ty đã làm kỹ xảo điện ảnh cho nhiều phim truyện: Ngày nảy ngày nay, Quyên, Siêu trộm, Đoạt hồn, Âm mưu giày gót nhọn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nước, Mệnh lệnh liên hoàn, Thiên mệnh anh hùng, Lưu manh đầu bếp
Trong khi đó ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam xác nhận: “Chúng tôi dự tính sẽ khai thác truyện comic để làm phim hoạt hình dài tập, hoặc chuyển thể từ sách truyện thiếu nhi hay của các tác giả được đông đảo thiếu nhi yêu thích như Nguyễn Nhật Ánh. Hy vọng trong tương lai có cơ hội hợp tác mới với Hàn Quốc để hoạt hình Việt Nam tiến xa hơn nữa”.
Bên cạnh đó, diễn viên - nhà sản xuất phim Trương Ngọc Ánh đặc biệt nhấn mạnh, điều cần kíp nhất trong hợp tác Việt - Hàn hiện nay chính là đào tạo nhân lực. “Không có gì phải ngại ngùng khi mời các chuyên gia điện ảnh nước ngoài, kể cả của Hàn Quốc hoặc Hollywood về dạy kinh nghiệm cho người Việt. Thậm chí nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng từng đi tắt đón đầu, gửi người nước mình đi ra bên ngoài đào tạo”, cô nói.
Hội thảo điện ảnh Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc (từ ngày 22 - 24.6 tại TP.HCM) với sự góp mặt của nhiều công ty đại diện điện ảnh Việt Nam (BHD, HK Film, Cyclo, Badclay Studio, Clory Animation, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) và Hàn Quốc (CJ E&M, Digital Idea, Macrograph, Contents Panda, Ocon, Sang Animation). Hội thảo do Cục Điện ảnh Việt Nam và Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic) phối hợp tổ chức nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển công nghiệp điện ảnh thông qua các hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp điện ảnh, trao đổi công nghệ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách và chiến lược trong khu vực nhà nước và tư nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.