TRỞ THÀNH "CÁI BẪY"
Năm 2019, UBND H.Quế Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH4 từ TT.Hương An đi xã Bình Giang (H.Thăng Bình). Tuyến đường dài khoảng 560 m, rộng 22 m (chia làm 2 làn), tổng mức đầu tư 25 tỉ đồng, do UBND H.Quế Sơn làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và phục vụ đi lại của người dân địa phương.
Tháng 9.2020, dự án khởi công và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong vòng một năm. Thế nhưng qua 4 năm thi công, đến nay 560 m đường ĐH4 vẫn dở dang vì vướng mặt bằng của một hộ dân.
Ông Võ Đình Phúc (51 tuổi, ở TT.Hương An) cho biết con đường đã thi công nhiều năm nay nhưng chỉ vì địa phương không giải phóng được mặt bằng của một hộ dân khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng dang dở. Mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mưa xuống thì nước đọng ở các ổ voi, ổ gà trên mặt đường khiến việc lưu thông của người dân gặp vô vàn khó khăn. "Đây là con đường huyết mạch, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện qua lại nhưng làm mãi mà không xong. Nhiều hộ dân hai bên đường phải sống chung với ô nhiễm khói bụi", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, vì đường thi công dang dở nên toàn đá dăm, lại có nhiều ổ voi, ổ gà nên đã trở thành "cái bẫy" nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc dự án bị ngưng trệ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại cũng như cuộc sống của người dân. "Tại các cuộc họp người dân cũng đã phản ánh vụ việc này rất nhiều. Chúng tôi mong chính quyền sớm làm việc với hộ dân bị vướng mặt bằng để có phương án tháo gỡ, sớm thi công hoàn thành con đường này", ông Phúc chia sẻ.
"DỰ ÁN NÀY DÂN RẤT BỨC XÚC"
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Cảnh Năm, Chủ tịch UBND TT.Hương An, cho biết dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐH4 đoạn qua trung tâm hành chính của thị trấn thi công 4 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành đã khiến nhiều người dân bức xúc. "Nguyên nhân khiến tuyến đường làm đã lâu nhưng chưa hoàn thành là do có một hộ dân nằm trong diện giải tỏa mặt bằng nhưng không thống nhất nhận tiền hỗ trợ đền bù mặc dù huyện đã áp giá đền bù theo quy định của nhà nước. Cử tri cũng rất bức xúc, phản ánh rất nhiều lần", ông Năm nói.
Theo ông Năm, công trình này mục đích thi công để dân mình hưởng lợi, nên trách nhiệm của hệ thống chính trị là tuyên truyền, vận động để người dân bàn giao mặt bằng nhưng hộ dân này nhất quyết không chịu. "Họ không chịu bàn giao mặt bằng với lý do đưa ra là giá đền bù thấp. Địa phương đã nhiều lần làm việc với hộ dân này để tháo gỡ, sớm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận. Trong trường hợp đã bảo đảm yêu cầu theo đúng quy định nhưng hộ dân này không chấp thuận thì chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện tiến hành cưỡng chế để sớm thi công tuyến đường này", ông Năm thông tin.
Bình luận (0)