Dệt may được dự báo sẽ phục hồi nhanh khi kinh tế hồi phục - Ảnh: Đ.Đ.M |
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Doanh nghiệp hành động như thế nào trong năm 2014?" là nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo "Kinh tế VN - Vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp", do Thời báo Kinh tế VN tổ chức hôm qua 21.2 tại TP.HCM.
Dấu hiệu phục hồi
|
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng những ngành nào sụp đổ nhanh nhất khi kinh tế khủng hoảng sẽ là những ngành phục hồi nhanh nhất khi kinh tế hồi phục. Nhóm ngành sụp đổ nhanh nhất khi kinh tế rơi vào khủng hoảng phần lớn là công nghiệp chế biến và chế tạo, gồm dệt may, giày da, đồ gỗ và các ngành tiêu dùng khác. Những ngành này đã bắt đầu phục hồi từ khoảng tháng 9.2013 với chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) đạt 13,5 %, chứng tỏ dấu hiệu phục hồi khá ổn. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) thuộc những ngành hàng này cần chú ý tiếp cận thị trường và tạo được ưu thế dài hạn, gắn kết với thực hiện các hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự do.
Ngành thứ hai là vật liệu xây dựng, dù chịu sự cạnh tranh rất ác liệt từ bên ngoài. Ông Nghĩa phân tích, vật liệu xây dựng của VN và của Trung Quốc trong tương quan bất lợi cho VN hơn, vì Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng về chất lượng hàng vật liệu xây dựng trên toàn cầu. Do vậy phải chú trọng đến vai trò sáng tạo để tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, người tiêu dùng có thể chấp nhận.
Ngành thứ ba là viễn thông, là ngành nhà nước đang tập trung cổ phần hóa rất mạnh và cũng là ngành nóng trên thị trường chuyển nhượng quốc tế. Đây cũng là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Cuối cùng là ngành dịch vụ. Trong 3 năm khủng hoảng kinh tế vừa qua, ngành này bị suy giảm ít nhất, mặc dù cũng có tình trạng ế ẩm, khách vắng vẻ ở các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng... nhưng khi nền kinh tế ấm lên, ngành này sẽ phục hồi trở lại khá nhanh.
Chủ động nắm cơ hội
Với bối cảnh trên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng các DN cần phải tỉnh táo lựa chọn lại phân khúc thích hợp với mình. Trong toàn bộ cấu trúc hiện tại, DN phải lựa chọn lại khu vực nào là chủ chốt tạo ra lợi nhuận, tạo ra tính cạnh tranh với đối thủ, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc nó, tránh dàn trải nguồn lực ra “sản xuất cả ti vi lẫn cám gà”.
Dưới góc độ khác, TS Trần Du Lịch nhận định trong hai năm 2014 - 2015 có nhiều nhân tố để tin rằng kinh tế VN sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và DN có triển vọng để phát triển bền vững hơn. Tất cả những điều này đặt vào kỳ vọng những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh như thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng quan điểm này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng đây thực sự là thời khắc hệ trọng đối với tiến trình cải cách của VN. Để tạo dựng lại lòng tin xã hội và thị trường, VN cần kiên trì, nhất quán với chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và tái cấu trúc nền kinh tế một cách thực chất, nhằm đón bắt tốt hơn xu thế phát triển mới của thế giới và thời đại. Cùng với đó, trong một xã hội ngày càng đòi hỏi và đa dạng, thì cách thức tương tác, giao diện giữa nhà nước với người dân, giữa nhà hoạch định chính sách với thị trường càng cần phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và có khả năng giải trình cao hơn.
Mai Vọng
>> G-20 thúc đẩy hồi phục kinh tế
>> Thị trường có dấu hiệu hồi phục
Bình luận (0)