4 nguyên nhân phổ biến khiến tim đập nhanh

Ngọc Quý
Ngọc Quý
20/01/2024 00:08 GMT+7

Trong nhiều trường hợp, tim đập nhanh là điều hết sức bình thường. Nhưng đôi khi, biểu hiện này có thể là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Điều cần thiết là xác định nguyên nhân của nhịp tim nhanh để sàng lọc và điều trị thích hợp, từ đó ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn.

Ở người trưởng thành, nhịp tim bình thường lúc không vận động hay tập thể dục là từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nếu lúc bình thường mà nhịp tim vẫn cao hơn 100 nhịp/phút thì được xem là tim đập nhanh, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).

4 nguyên nhân phổ biến khiến tim đập nhanh- Ảnh 1.

Căng thẳng và lo lắng là những yếu tố thường dẫn đến nhịp tim nhanh

SHUTTERSTOCK

Các triệu chứng của nhịp tim nhanh là trống ngực, cảm giác tim đập run lên trong lồng ngực, kèm theo mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu. Nhịp tim nhanh cũng có thể là một chỉ dấu về sức khỏe tổng thể. Nhịp tim dù quá nhanh hay quá chậm đều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe.

Căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng là những vấn đề phổ biến góp phần gây nhịp tim nhanh. Đặc biệt, rối loạn lo âu về lâu dài có thể gây ra huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, thậm chí là đau tim.

Các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng... cũng có thể khiến tim đập nhanh, dẫn đến tụt huyết áp, ngất xỉu.

Rối loạn tuyến giáp

Một trong những vấn đề sức khỏe có thể gây ra nhịp tim nhanh là rối loạn tuyến giáp. Tuyến giáp tiết ra hoóc môn điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều hoóc môn có thể khiến tim đập mạnh và nhanh hơn, gây ra các rối loạn nhịp tim như rung tâm nhĩ.

Bệnh tim

Một tình trạng y tế khác có thể gây nhịp tim nhanh là bệnh tim. Trái tim chịu trách nhiệm bơm máu khắp cơ thể và khi cơ quan này có vấn đề, nhịp đập sẽ nhanh hơn bình thường. Trong một số trường hợp, bệnh tim sẽ gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, chẳng hạn như nhịp tim nhanh thất.

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng mà cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Khi cơ thể không đủ các tế bào hồng cầu để mang oxy đến các mô, tim phải làm việc chăm chỉ hơn để lưu thông máu, dẫn đến nhịp tim tăng. Ngoài ra, thiếu sắt nghiêm trọng cũng có thể gây tăng nhịp tim, rối loạn chức năng tâm thất trái, thậm chí suy tim.

Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu của nhịp tim nhanh thì cần phải đến gặp bác sĩ kiểm tra. Bằng cách xác định nguyên nhân cơ bản gây nhịp tim nhanh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và ngăn ngừa các biến chứng, theo Everyday Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.