Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ trong vòng 1 tháng, tại bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh đa vết thương nghiêm trọng liên quan đến tự chế pháo nổ. Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình từ 12 - 16 tuổi.
Đặc biệt là trường hợp bệnh nhân 12 tuổi bị đa chấn thương rất nghiêm trọng. Người bệnh bị dập nát bàn tay trái, vết thương phỏng 20% toàn thân và phỏng cả 2 giác mạc.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành cấp cứu và phẫu thuật ngay trong đêm tiếp nhận. Sau 3 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được cắt lọc nhiều vết thương toàn thân ở tay, đùi, ngực, bụng, chăm sóc các vết thương phỏng. Riêng bàn tay trái của người bệnh bị cắt cụt do dập nát quá nghiêm trọng. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Về các đặc điểm chung của tai nạn hỏa khí do pháo nổ, bác sĩ Trần Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nạn nhân thường sẽ bị những vết thương điểm trên da rất sâu, cháy xém hầu như ở toàn thân, các vị trí tiếp xúc gần thường bị dập nát nghiêm trọng.
Cả 4 trường hợp tiếp nhận đều phải cắt cụt bàn tay trái, đã có 2 ca được xuất viện và 2 ca hiện đang được điều trị tích cực. Mặc dù sức khỏe các bệnh nhân đều đã ổn định, tuy nhiên các bệnh nhân đều ở độ tuổi rất trẻ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về sau.
Do đó, bác sĩ Bình khuyến cáo mọi người tuyệt đối không vì tâm lý tò mò mà sử dụng hay tự điều chế pháo nổ. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc.
Nếu không may tai nạn xảy ra, cần khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, đánh giá nhanh vết thương toàn thân, vết phỏng để có thể tiến hành băng bó sơ bộ và đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Ngày 18.12, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, chỉ trong 2 tuần, khoa Bỏng - chỉnh trực của bệnh viện đã tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhi liên quan đến việc chế pháo nổ gây thương tích.
Nam bệnh nhi Đ.S.R (12 tuổi, ở Bình Phước) đã lấy bột đầu que diêm rồi cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị vết thương chảy máu nhiều. Bệnh nhi được cấp cứu ở bệnh viện địa phương, sau đó chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Kết quả phẫu thuật, bệnh nhi có vết thương dập nát mô bàn tay, nhiều vết thương nham nhở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
Trường hợp khác, nam bệnh nhi A.T.V (12 tuổi, ở Gia Lai) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo nổ. Bệnh nhi có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay 2 bên, đùi và cẳng chân 2 bên. Trường hợp còn lại bị bỏng đến 50% toàn thân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng - chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 thì gia đình và nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo. Giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong.
Trước đó, ngày 14.12, Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên (Đắk Lắk) tiếp nhận theo dõi, điều trị vết thương cho 3 bệnh nhân là học sinh đến từ H.Krông Năng nghi do pháo nổ. Trong đó, em nặng nhất phải phẫu thuật bàn tay, 2 em còn lại bị thương ở mắt, phần mềm, tay, chân…
Bình luận (0)