4 trường hợp vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

03/01/2025 18:07 GMT+7

Trong một số tình huống, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dù vượt đèn đỏ nhưng sẽ không bị xử phạt.

Nghị định 168/2024 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025, nâng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông, trong đó có vượt đèn đỏ.

Cụ thể, mức phạt đối với người điều khiển ô tô là 18 - 20 triệu đồng, người điều khiển xe máy là 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe đạp và người đi bộ cùng là 150.000 - 250.000 đồng.

Mức phạt với hành vi vượt đèn đỏ là rất cao, tuy nhiên cũng có những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông dù không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông nhưng sẽ không bị xử phạt.

4 trường hợp vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt- Ảnh 1.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định 168/2024 đối với hành vi vượt đèn đỏ được nâng lên nhiều lần

ẢNH: NHẬT THỊNH

Vượt đèn đỏ nhường đường cho xe cứu thương

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương, xe chữa cháy… thì có bị xử phạt hay không?

Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) khẳng định là không. Bởi lẽ, hành vi vượt đèn đỏ trong tình huống trên được xác định là vi phạm trong tình thế cấp thiết. Tức là cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Ngoài tình huống trên, luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định các trường hợp khác không bị xử phạt vi phạm hành chính như: sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng…

4 trường hợp vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt

Vượt đèn đỏ theo hiệu lệnh của CSGT

Trường hợp đèn tín hiệu chuyển màu đỏ nhưng cán bộ CSGT phân luồng giao thông ra hiệu lệnh tiếp tục di chuyển, thì người tham gia giao thông có thể vượt đèn đỏ mà không bị xử phạt.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, dẫn quy định tại điều 11 luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:

- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; 

- Tín hiệu đèn giao thông; 

- Biển báo hiệu đường bộ; 

- Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;…

Như vậy, hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông sẽ có giá trị pháp lý cao hơn tín hiệu đèn giao thông.

Sự khác nhau về quy định tín hiệu đèn giao thông:

Tín hiệu đèn

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (cũ)

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (mới)

Xanh

Được đi

Được đi

Trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường

Vàng

Phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp

Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác

Đỏ

Cấm đi

Cấm đi

Vạch kẻ kiểu mắt võng

Theo QCVN 41:2024/BGTVT, vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Như vậy, trong phạm vi vạch này, người tham gia giao thông đi trên đường không được phép dừng xe, tránh ùn tắc.

Có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục di chuyển

Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy, khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ.

Trường hợp có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ, đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.

Trường hợp có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.

Dù được tiếp tục di chuyển, nhưng ở cả 2 trường hợp trên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi và người đi bộ qua đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.