4 việc lớn mong đợi nhà nước

11/07/2012 03:50 GMT+7

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, việc duy trì cơ chế sản xuất theo mô hình cũ, dựa chủ yếu vào gia công đã không còn thích hợp nữa, nhưng sự dịch chuyển sang mô hình mới, tái cấu trúc nền sản xuất lại đang được thực hiện quá chậm chạp.

Theo ông, nhà nước cần có sự hỗ trợ gì, và bản thân DN cần làm gì để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh và mạnh hơn?

Nhu cầu nâng cấp nền kinh tế nước ta từ giai đoạn gia công sang giai đoạn chế tạo đã trở thành mệnh lệnh của thời đại và đây cũng là một nội dung cơ bản của chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là việc rất lớn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của cả nhà nước lẫn DN. Riêng tôi hình dung có 4 việc lớn DN mong đợi từ phía nhà nước:

Một là, sử dụng các đòn bẩy kinh tế, nhất là thuế, lãi suất và các ưu đãi khác (ví dụ giá thuê đất chẳng hạn) đủ sức hấp dẫn để xua các DN bỏ dần lĩnh vực gia công, lùa vào lĩnh vực chế tạo.

Hai là, cũng bằng các đòn bẩy kinh tế khuyến khích mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ, bao gồm cả sản xuất nguyên vật liệu lẫn máy móc, thiết bị, phụ tùng. Việc này có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào việc thứ ba.

Ba là, thông qua sự hợp tác và hội nhập quốc tế để các DN và sản phẩm của VN len được vào chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu vì chỉ có vậy mới sản xuất được trên quy mô lớn, giá thành hạ và có đầu ra tương đối ổn định.

Bốn là, gia tăng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới thể chế kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đấy là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Muốn đủ thì điều kiện tiên quyết là các DN phải tự thân vận động. Tìm hiểu nhu cầu thị trường cả về sản phẩm lẫn giá cả, mẫu mã để đáp ứng chứ không có gì làm nấy. Liên doanh liên kết với các DN nước ngoài có uy tín để len vào chuỗi sản xuất và phân phối của họ từ đó xác dịnh chỗ đứng cho mình. Đương nhiên, mỗi DN phải tự chăm lo cải tiến sự quản lý, điều hành của bản thân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả ở khâu sản xuất lẫn quản lý.

Có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, nhưng năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu vẫn khá hạn chế. Theo ông, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu nào để tăng khả năng cạnh tranh cho DN?

Năng lực cạnh tranh của mỗi DN thì bản thân DN phải tự lo, nhà nước chỉ có thể hỗ trợ ở mấy khâu sau:

Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh dễ dàng nhất có thể, giúp DN đỡ nhọc nhằn, chạy vạy, bôi trơn, hao sức tốn của. Thứ hai, cải thiện hạ tầng cơ sở ở những khâu liên quan tới xuất khẩu, nhất là tính đồng bộ và chất lượng. Và cuối cùng là cố gắng giảm đầu vào cho các DN như giá đất, thuế, phí, lãi suất... đi đôi với việc hỗ trợ, chứ không làm thay, tìm thị trường, đối tác. Bốn là ổn định cho được kinh tế vĩ mô, nếu không thì không thể cạnh tranh với bên ngoài nổi.

Lợi thế nhân công giá rẻ của VN đang mất dần, nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa các nước trong khu vực. Theo ông, nên xem yếu tố nào là thế mạnh trong cạnh tranh để các DN xây dựng và hướng tới?

Chung nhất vẫn là chất lượng tốt, giá thành hạ, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và ngày nay thêm cả yếu tố môi trường, vệ sinh an toàn nữa, nếu xây dựng được thương hiệu ổn định thì càng tốt. Mỗi loại hàng hóa và dịch vụ lại có đòi hỏi riêng, DN phải tự xác định, không ai làm thay được. Nhân đây tôi muốn lưu ý rằng lợi thế lao động rẻ đang giảm mạnh, sự cạnh tranh trở nên rất gay gắt do kinh tế thế giới đang khó khăn, các đối thủ cạnh tranh của ta rất mạnh. Lúc này mà sơ sẩy, làm mất chữ tín đối với bạn hàng thì khó lấy lại lắm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Điều chỉnh thuế

 Phạm Chi Lan
Ảnh: Hoàng Long
DN yếu do bản thân họ và cả môi trường kinh doanh. Bản thân DN yếu thì có thể điều chỉnh nhưng đối với môi trường kinh doanh lại vượt khỏi tầm tay của họ. Theo điều tra của Bộ KH-ĐT, có tới 95% DN không vay được các khoản vay ưu đãi. Đây là điểm yếu từ chính sách ngoài tầm tay của DN, cùng với hệ thống tài chính phát triển chưa tốt, các kênh tài chính hỗ trợ DN cũng kém phát triển.

Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng cần phải có điều chỉnh. Thuế TNDN và thuế VAT của VN hiện tại là quá cao so với các nước trong khu vực. Các khó khăn này có thể được giải quyết vì nằm trong tầm tay của nhà nước. Nếu thuế VAT giảm xuống sẽ kích thích sức mua của người dân, DN được lợi và có điều kiện để đầu tư phát triển.

T.Tâm (ghi)

TS Vũ Thế Dũng - Phó trưởng khoa Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM): Xây dựng năng lực làm thị trường

Thực tế cho thấy nhiều cầu nối của DN từ khâu sản xuất đến người
 TS Vũ Thế Dũng
tiêu dùng quá yếu. Các DN muốn đưa hàng vào bán tại các chợ, các tỉnh thành đều gặp khó khăn. Hơn nữa, theo nhận xét của các tiểu thương và người tiêu dùng thì bản thân các DN không thủy chung. Họ chỉ làm tốt trong giai đoạn đầu về chất lượng sản phẩm, quảng bá, dịch vụ hậu mãi...  và sau đó thì lơ là. Điều này khiến cho nhà bán lẻ và người tiêu dùng không tin tưởng.

Để gia tăng sức cạnh tranh, các DN phải xây dựng năng lực làm thị trường dù điều này khó hơn năng lực sản xuất. Trong đó bao gồm nhiều hoạt động như phải xây dựng kênh phân phối hiệu quả, hiểu rõ được tâm lý tiêu dùng của khách hàng và ngay cả thái độ cam kết về chất lượng sản phẩm hậu mãi... mang tính dài hơi. Bước kế tiếp là xây dựng chất lượng quản trị DN và đẩy mạnh sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.

Ở vấn đề này, vai trò của các hiệp hội ngành nghề rất quan trọng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hội Dệt may VN: Xây dựng thương hiệu

 Phạm Xuân Hồng
DN muốn tạo nên sự khác biệt thì phải xây dựng cho được thương hiệu của mình dù hoạt động ở những lĩnh vực nào. Khác với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu DN là phải làm thế nào để các tập đoàn mua hàng quốc tế đến VN nhận biết và tìm đến mình. Làm được điều đó nghĩa là DN phải đảm bảo được các yếu tố như đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và tinh thần hợp tác.

Ví dụ đối với ngành dệt may, nếu xây dựng thương hiệu sản phẩm thì yêu cầu việc quảng bá cũng phải gia tăng. Trong khi đó, xây dựng thương hiệu DN lại cần đi sâu vào việc xây dựng nguồn lực quản trị DN. Trong thương hiệu DN, uy tín chỉ mới là một khía cạnh trong tổng thể những vấn đề nêu trên. Việc xây dựng nguồn lực quản trị, nhất là đội ngũ quản lý khá quan trọng. Nếu đội ngũ quản lý tốt sẽ gia tăng được năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Những điều này không phải là bí mật kinh doanh và các DN đều biết. Nhưng nhận thức và thực hiện lại khác nhau nên có DN tạo dựng được thương hiệu cho mình, có DN thì chưa.

Mai Phương (ghi)

Mai Hà (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.