Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là vụ án thứ 4 ông Chung bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở 3 vụ án trước, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã bị tuyên tổng cộng 12 năm tù.
Chiếm đoạt tài liệu mật
Ngày 20.8.2020 đánh dấu vụ án đầu tiên ông Nguyễn Đức Chung vướng vòng lao lý. Cựu Chủ tịch Hà Nội bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại điều 337 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo hồ sơ, ông Chung và vợ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Đây cũng là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Để nắm được thông tin, tài liệu điều tra vụ án, ông Chung liên hệ và đề nghị Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.
XEM NHANH 20H ngày 22.3: Trả tự do 4 nữ tiếp viên hàng không | Ông Nguyễn Đức Chung lại bị khởi tố
Từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, ông Dũng 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" liên quan đến vụ án Nhật Cường.
Trong đó, ông Dũng đã chuyển cho ông Chung 2 lần gồm 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật". 2 bị cáo khác là cấp dưới của ông Chung cũng tham gia in, chỉnh sửa tài liệu mật cho ông Chung.
Tháng 11.2020, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt ông Chung 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Những người còn lại bị tuyên từ 18 tháng đến 4 năm 6 tháng tù, về cùng tội danh.
"Lùm xùm" chế phẩm xử lý ao, hồ
Tháng 6.2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo buộc, từ năm 2009, UBND TP.Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục ô nhiễm nguồn nước ao, hồ.
Tháng 5.2016, ông Chung với vai trò Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã lựa chọn chế phẩm Redoxy-3C công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, tổ chức đoàn sang Đức thăm công ty sản xuất chế phẩm Redoxy-3C.
Sau đó, ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic.
Công ty Arktic khi thành lập có con trai ông Chung đứng tên 40% cổ phần. Quá trình hoạt động, công ty nhiều lần thay đổi thành viên góp vốn nhưng thực chất việc chuyển nhượng qua lại vốn góp đều do vợ ông Chung chỉ đạo, nhờ người đứng tên hộ.
Cơ quan tố tụng cáo buộc trong việc nhập, mua bán, thử nghiệm và sử dụng chế phẩm, các bị cáo có nhiều sai phạm, bỏ qua nhiều quy định, với động cơ vụ lợi, gây thiệt hại tài sản nhà nước. Việc phát sinh khâu trung gian là Công ty Arktic khiến việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C lòng vòng, gây thiệt hại ngân sách số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Can thiệp vào đấu thầu
Tháng 7.2022, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 2 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo hồ sơ, năm 2016, Sở KH-ĐT TP.Hà Nội làm chủ đầu tư gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp. Quá trình thực hiện, ông Chung được Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) nhờ vả nên đã chỉ đạo cấp dưới tại Sở KH-ĐT dừng thầu trái quy định.
Cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội còn yêu cầu Sở KH-ĐT lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố, trong khi Hà Nội chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Tiếp nhận chỉ đạo trên, các bị cáo tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu bằng việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh Đông Kinh - Nhật Cường trúng thầu.
Về phía mình, các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập "quân xanh" để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.
Chuỗi hành vi trên đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu, hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.
Sai phạm trong dự án trồng cây xanh
Trong vụ án mới nhất, ông Chung bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái quy định để các công ty, cá nhân có mối quan hệ thân thiết với mình được UBND TP.Hà Nội chỉ định đặt hàng trồng cây trên địa bàn từ năm 2016 - 2018, qua đó hưởng lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Vụ án này được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố từ tháng 8.2021. Sau hơn 2 năm điều tra, đến nay đã có gần 20 bị can, bao gồm Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, để triển khai chương trình trồng mới, thay thế cây xanh, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng TP.Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị được đặt hàng, Công ty CP Định giá và dịch vụ tài chính VN là đơn vị tư vấn, thẩm định giá.
Các bị can đã có hành vi thông đồng, nâng khống giá trị cây, hợp thức hồ sơ để quyết toán trái quy định. Tại 2 hợp đồng (trong số 15 hợp đồng giữa Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), các bị can nâng khống giá một số loại cây, gây thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng.
Các bị can còn lập khống hồ sơ năng lực Công ty TNHH Phát triển sinh thái xanh để được đặt hàng dịch vụ cây xanh; nâng khống giá cây khi ký văn bản đề nghị thẩm định; thông đồng, câu kết ban hành chứng thư hợp thức… Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định một số cây trồng mới, thay thế, bổ sung được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Bình luận (0)