Hút thuốc luôn gắn liền với bệnh về phổi. Các thống kê cho thấy hơn 90% người hút thuốc sẽ mắc các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc ung thư, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Với ung thư phổi, không chỉ thuốc lá mà những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
Nguy cơ nghề nghiệp
Nhiều người vẫn mắc ung thư phổi ngay cả khi họ không hút thuốc. Khi đó, tác nhân gây bệnh của họ có thể là do tiếp xúc với khí độc hại tại nơi làm việc. Các loại khí này có thể asen, uranium, amiăng hoặc khí thải động cơ diesel.
Nghiên cứu cho thấy với nhiều người bị ung thư phổi không liên quan đến khói thuốc, ADN trong cơ thể họ có dấu hiệu tổn thương do các hóa chất trong môi trường. Chính những tổn thương ADN này khiến ung thư phát triển mạnh mẽ.
Phơi nhiễm khí radon
Radon là một loại khí tự nhiên hình thành trong đá, đất và nước. Chúng có thể xâm nhập vào các tòa nhà qua vết nứt hay lỗ hổng. Hít khí radon trong thời gian dài có thể gây ung thư phổi.
Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ ước tính nước này ghi nhận khí radon là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 21.000 người mắc ung thư phổi mỗi năm.
Ô nhiễm không khí
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra khoảng 10% tổng số ca mắc ung thư phổi ở người không hút thuốc. Điều này là do các tác nhân ô nhiễm trong không khí sẽ làm tổn thương ADN trong tế bào và gây ung thư.
Ảnh hưởng từ bức xạ
Tiếp xúc với bức xạ năng lượng cao là một yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi. Các bức xạ này có thể là tia X trong điều trị y tế hoặc các loại tia bức xạ khác từ môi trường.
Những người từng mắc ung thư và xạ trị ở ngực sẽ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn. Nguy cơ phát triển ung thư phổi sau khi tiếp xúc tia bức xạ phụ thuộc vào độ tuổi và mức độ tiếp xúc, theo Verywell Health.
Bình luận (0)