4.0 IELTS được tính điểm 10 tốt nghiệp THPT: Không thể đánh đồng 'cá mè một lứa'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/04/2023 16:49 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT cho phép miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên vẫn tiếp tục nhận được nhiều tranh luận trái chiều, trong đó có đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem lại cách thi ngoại ngữ đã quá lạc hậu.

Nên có cách đánh giá theo từng thang điểm

Xung quanh quy định cho phép miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 4.0, V.H, một học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho biết: IELTS 4.0 là rất thấp và các bạn em không ai bỏ công sức, lệ phí thi tới gần 5 triệu đồng để lấy chứng chỉ 5.0 chứ đừng nói 4.0; nếu như em mà thi chỉ đạt 6.0 thì cũng xấu hổ với bạn bè lắm.

4.0 IELTS được tính điểm 10 tốt nghiệp THPT: Không thể đánh đồng 'cá mè một lứa'   - Ảnh 1.

Việc quy định 10 điểm tốt nghiệp THPT với môn ngoại ngữ khi thí sinh đạt 4.0 IELTS hoặc tương đương đang gây tranh cãi

NGỌC THẮNG

Do vậy, theo học sinh này nếu thi IELTS chỉ đạt 4.0 thì người thi đang gặp vấn đề trong việc hiểu và diễn đạt, chỉ có thể đọc và nói những mẫu câu quen thuộc.

Thực tế, học sinh ở Hà Nội có chiến lược luyện thi lấy chứng chỉ IELTS không phải nhằm vào mục tiêu miễn thi tốt nghiệp THPT mà để "rộng cửa" hơn vào ĐH bằng phương thức xét tuyển sớm, kết hợp giữa IELTS và kết quả học bạ hoặc để đi du học...

Một giáo viên dạy tiếng Anh trường THPT chuyên tại Hà Nội cho rằng, quy định miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp THPT là một chủ trương có tính 2 mặt, vừa tốt, vừa xấu.

Điểm tốt là giảm tải cho kỳ thi tốt nghiệp THPT với những em nào có chứng chỉ. Ngoài ra, chứng chỉ IELTS cũng là một cách đánh giá công bằng hơn kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong học thuật so với phương thức đánh giá truyền thống là làm đề trắc nghiệm như hiện tại.

Tuy nhiên, cũng theo giáo viên này, việc quy tất cả các trường hợp miễn thi là 10 điểm thì lại có tác dụng ngược vì điểm IELTS có rất nhiều mức khác nhau, không thể đánh đồng "cá mè một lứa" được. Nên có cách đánh giá theo từng thang điểm, ví dụ phải đạt từ 6.5 IELTS trở lên mới được 9 - 10 điểm. 

Bà An Thùy Linh, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cũng cho rằng việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đánh giá được cả 4 kỹ năng, trong khi thi tốt nghiệp THPT chủ yếu chỉ kiểm tra về từ vựng và ngữ pháp.

Chứng chỉ quốc tế có giá trị và đánh giá được toàn diện nhưng cần quy đổi mức điểm phù hợp hơn, không nên đánh đồng tất cả chứng chỉ đạt mức 4.0 IELTS hoặc tương đương thì đều đạt điểm 10 khi xét tốt nghiệp THPT. Điều đó vừa không phù hợp, vừa không công bằng với chính những thí sinh có chứng chỉ đạt điểm cao.

Bà Hà Thị Huyền, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần quy ra các mức điểm khác nhau tương ứng với mức điểm chứng chỉ mà các em đạt được, thay vì "cào bằng" như hiện nay. "Dù là đánh giá để xét tốt nghiệp THPT thì vẫn cần có quy chuẩn và phân hóa đúng năng lực của học sinh", bà Huyền nói.

Đề thi ngoại ngữ cần thay đổi đáp ứng thời đại

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép quy đổi điểm tuyệt đối với học sinh được chứng chỉ quốc tế ở mức thấp phải chăng là bộ cũng gián tiếp thừa nhận cách thức thi cử, đánh giá môn tiếng Anh ở kỳ thi quốc gia vẫn còn rất có vấn đề.

Dù khẳng định 4.0 IELTS được tính điểm 10 là không công bằng với chính những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ chứ chưa nói tính vùng miền, nhưng nhiều ý kiến cũng nhìn nhận do IELTS đánh giá kỹ năng giao tiếp thực tế nên dù chỉ 4.0 IELTS cũng có thể giao tiếp sơ sơ được rồi. Còn việc học và thi tiếng Anh ở trường phổ thông hiện nay toàn viết và viết, một câu đơn giản còn "nghe không ra".

Thực tế, từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng chính sách miễn thi ngoại ngữ đến nay, hầu hết trường ĐH cũng không sử dụng điểm miễn thi đó để xét tuyển ĐH trong phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Điều đó không có nghĩa các trường ĐH không đánh giá cao chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mà các trường đưa ra mức điểm tối thiểu cần đạt phải từ IELTS 5.5 và có mức điểm quy đổi rõ ràng chứ không phải đánh đồng tất cả đều đạt điểm tuyệt đối.

Ví dụ, theo thông tin tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2023, thang điểm tiếng Anh được tính tối đa là 15 điểm. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS thấp nhất phải là 5.5 và sẽ được quy đổi thành 10 điểm môn tiếng Anh; IELTS 6.0 được quy đổi 11 điểm; 6.5 quy đổi 12 điểm; 7.0 quy đổi 13 điểm; 7.5 quy đổi 14 điểm và 8.0 trở lên mới được quy đổi điểm tuyệt đối là 15 điểm.

Các trường ĐH khác như Ngoại thương, Thương mại, Bách khoa Hà Nội… cũng đều có quy định cụ thể về mức quy đổi giữa điểm chứng chỉ IELTS với điểm thi môn ngoại ngữ trong xét tuyển, không có trường nào "cào bằng" một mức điểm.

Một giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT chuyên của Hà Nội góp ý: để tránh những tranh cãi về việc này thì về lâu dài, đề thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần phải thay đổi đáp ứng với thời đại; đề thi phải theo hướng tích hợp kỹ năng giao tiếp nghe, nói hơn. Như hiện tại, học sinh nào ôn thi tốt nghiệp THPT theo đề thi tiếng Anh của Bộ GD-ĐT cũng chỉ đa phần "cày" sách, luyện đề mà thiếu khả năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế.

Thí sinh được sử dụng cùng lúc 2 quyền: vừa miễn, vừa thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục áp dụng quy định cho phép thí sinh được sử dụng cùng lúc 2 quyền là miễn thi và thi. Cụ thể, thí sinh vẫn được miễn thi môn ngoại ngữ để lấy điểm 10 của môn này khi xét tốt nghiệp THPT; đồng thời cho phép thí sinh đăng ký dự thi để có kết quả thi xét tuyển vào ĐH theo tổ hợp phù hợp với nguyện vọng.

Bộ này cũng quy định: chậm nhất ngày 13.5 tới, thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ thì mới được đăng ký để miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 26.7 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.