(TNO) Chỉ vài ngày sau 30.4.1975, trong khi những người lính giải phóng vẫn đang ngỡ ngàng và hừng hực với chiến thắng, thì có những đơn vị lại nhận thêm súng đạn, lương khô, rời Sài Gòn ngược lên biên giới Tây Nam nhận nhiệm vụ “bí mật”.
Bộ đội C5, Công an nhân dân vũ trang An Giang trên trận địa đánh trả quân Pol Pot xâm lược,
năm 1978 - Ảnh do ông Nguyễn Ngọc Chiến cung cấp |
Đến các Đồn Biên phòng dọc biên giới Tây Nam, tôi thường gặp những tấm bia nhỏ ghi tên các cán bộ chiến sĩ của đồn đã hy sinh trong những năm giữ đất, đánh trả quân Pol Pot xâm lược (thời điểm 1977-1978). Thời điểm ấy, có những đồn, trạm bị xóa phiên hiệu bởi hy sinh toàn bộ. Nhiều nơi, số quân hy sinh đều đều hàng tuần. Cộng lại toàn tuyến, lên đến hàng nghìn liệt sĩ.
Ở Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới Tây Nam bây giờ, ký ức về những ngày “mới buông súng đã cầm lấy súng”, để chiến đấu với những kẻ “vừa là bạn, đã quay ngoắt thành thù”, mãi là bài học mà những người lính già truyền lại cho lớp sau, bởi bài học đó, đánh đổi bằng máu của hàng nghìn người lính biên phòng.
Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Chiến, C5-Công an nhân dân vũ trang An Giang trong trận đánh ngày 27.3.1978, tại kênh Năm Xã, Phú Châu (nay là An Phú), An Giang - Ảnh do ông Nguyễn Ngọc Chiến cung cấp
|
Thổ Chu: Súng nổ
Đại tá Chung Kỳ Tập, hiện đang nghỉ hưu tại thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) không chỉ nổi tiếng khắp biên giới Tây Nam về quãng thời gian gần 30 năm chỉ làm Đồn trưởng Biên phòng mà còn có trí nhớ rất tốt, đến từng chi tiết, địa danh trong những ngày đầu chiến tranh biên giới Tây Nam.
Vị đại tá già rành mạch: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được triển khai bảo vệ biên giới Tây Nam ngay sau ngày miền Nam giải phóng và đến tháng 3.1976, Công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới Tây Nam đã có 44 đồn, 12 trạm (mỗi đồn biên chế 30-40 cán bộ chiến sĩ).
Đại tá Chung Kỳ Tập (bìa phải) kể lại hồi ức chiến tranh biên giới Tây Nam
|
Ông Tập kể: “Ngày 30.4.1975, ta giải phóng Sài Gòn và đúng 10 ngày sau đó (10.5.1975), hải quân Pol Pot lợi dụng lúc lính Việt Nam Cộng hòa tan rã, quân ta chưa kịp tiếp quản, tranh thủ thời cơ đánh chiếm đảo Thổ Chu và tràn lên đảo Phú Quốc. Do bị đánh trả, không chiếm được Phú Quốc, lính Pol Pot quay về Thổ Chu tàn sát đa số người dân, bắt đi 515 người còn lại và định chiếm đóng Thổ Chu lâu dài, buộc quân ta phải đánh đuổi khỏi đảo”.
“Sự kiện Thổ Chu và Phú Quốc thực sự mở đầu cho những hành động gây căng thẳng, tiếp theo là hàng loạt sự kiện dọc biên giới Tây Nam”, đại tá Tập khẳng định. Ông tiếp dòng hồi ức: Cuối năm 1975, đầu 1976, quân Pol Pot xâm lấn vùng Sa Thầy (Kon Tum), phía Nam đường 9 và đêm 3.1.1976, chúng cho quân vào làng Sộp đốt hết nhà, cướp hết tài sản và bắt đi 130 người dân của làng. Ngày 25.2.1976, Pol Pot bất ngờ tấn công đồn Công an nhân dân vũ trang số 7 và 8, tỉnh Đắk Lắk (nay là Đồn Đắk Dang, Đắk Nông). Các nơi khác dọc biên giới cũng liên tiếp xảy ra các hoạt động khiêu khích của lực lượng vũ trang Campuchia như: Ra sát biên giới xâm canh, lấn đất; bắn vào các đội tuần tra của Công an nhân dân vũ trang; uy hiếp nhân dân làm ăn, đi lại trên các sông rạch gần đường biên giới; tổ chức những cuộc tập kích, đốt phá, bắt cóc, gài mìn, ném lựu đạn... nhất là ở các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Sông Bé...
Thượng tá Bùi Văn Cường, từng là Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Đai (An Phú, An Giang) nói với tôi: “Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tuyến An Giang hứng chịu cuộc tấn công đồng loạt cấp sư đoàn đầu tiên của quân Pol Pot và sự hy sinh, không thể nào đo đếm nổi” rồi lặng người: “Đồn Bắc Đai của tôi nằm cạnh con sông, bên kia là nơi địch tập trung binh lính, vũ khí. Lệnh của trên là tiêu diệt địch ngay khi chúng vào đất ta, nên phải cho trinh sát bơi sang buộc dây thừng để anh em lần dây sang. Địch phát hiện, nổ súng ngay khi đang di chuyển, anh em toàn miền Bắc không biết bơi, nếu không bị giết bởi đạn nhọn, cũng chết đuối, hy sinh rất nhiều”.
Rừng thiêng, nước độc
Không chỉ ngã xuống bởi súng đạn mà các cựu chiến binh miền bắc tham gia BP Tây Nam, đến giờ gặp nhau vẫn nhớ nhắc lại tâm trạng bỡ ngỡ những ngày đầu từ đồng bằng sông Hồng - duyên hải miền Trung vào Nam.
Địa hình biên giới Tây Nam bằng phẳng, chỉ chia cắt bằng kênh rạch, thuận lợi cho đối tượng
xâm nhập và khó khăn trong việc quản lý của Biên phòng |
Triển khai trên địa bàn đa dụng mới lạ, nhà cửa doanh trại thậm chí trận địa phòng ngự cực kỳ thiếu thốn, đơn giản và tạm bợ, các cán bộ chiến sĩ Biên phòng còn phải chống chọi với những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, với đủ các loại bệnh tật như sốt rét, thương hàn, tả lỵ...
Thượng tá Bùi Văn Cường giờ là Chính trị viên Đồn Biên phòng Tịnh Biên (An Giang) nhớ lại thời là chiến sĩ mới điều vào khu vực phía tây An Giang: “Rất nhiều anh em miền bắc hy sinh vì bệnh sốt rét, ngã nước. Nhiều khi, cả đồn có đến 50% quân số nằm bệnh xá” và lắc đầu: "Hồi ấy, ăn uống đã thiếu thốn kham khổ mà vẫn san sẻ lương thực thực phẩm cho bà con trong vùng, bởi họ quá nghèo và sản xuất sau chiến tranh chưa đảm bảo. Thuốc men chữa bệnh đơn giản chỉ là ký ninh chống sốt rét. Thậm chí quân trang, súng đạn cũng thiếu...".
Tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới Tây Nam
|
Thượng tá Trần Văn Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cũng giữ nguyên ký ức những năm mới tò te từ Nam Định vào Kiên Giang: Ngay từ tháng 6.1975, sau khi được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tăng cường, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long Châu Hà (tên gọi cũ của một phần tỉnh An Giang và Kiên Giang hiện nay) đưa lực lượng về Hà Tiên (Kiên Giang) thành lập 3 đồn Công an nhân dân vũ trang (Giang Thành, Xà Xía, Ba Hòn). Đầu năm 1976, huyện Hà Tiên được thành lập và nằm trong tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang).
“Hồi ấy là Đồn đông quân nhất tỉnh với 40 người và do quá nhiều anh em miền Bắc với vào bỡ ngỡ, nên được trên tăng cường thêm 8 anh em người bản địa, giúp cho 32 anh em quê xa làm quen với từ phong tục tập quán, cách ăn ở cho đến địa hình, địa vật, tác chiến”, thượng tá Hưng kể vậy và nói buồn: “Hồi ấy, đến doanh trại tranh tre nứa lá cũng không có, nên đơn vị phải trú tạm trong chùa để tránh mưa nắng. Bộ đội toàn trẻ, không quen thời tiết khí hậu, đau ốm liên miên. Cộng thêm ăn uống kham khổ, nên cứ vài tuần đi họp, lại nghe tin anh này anh kia mất, đau xót vô cùng”...
Sau ngày giải phóng Campuchia (17.4.1975), bè lũ Pol Pot - Iêng Xary đã thực hiện ở đất nước này một xã hội kỳ quái: Không có thành thị, chùa chiền mà chỉ có những trại tập trung mang tên “công xã lớn”, ở đó nhân dân phải lao động khổ sai dưới roi vọt của Ăng Ca. Trong công xã, từ cụ già đến em nhỏ đều phải lao động như nô lệ, bị đánh đập như súc vật; nhiều phụ nữ bị tuyệt đường sinh đẻ; con người bị đập chết bằng cuốc xẻng, báng súng bất cứ lúc nào... Trong xã hội quái gở này, những người yêu nước, yêu tự do công lý, có văn hóa, tri thức đều “đáng tội chết”. Ngay cả những sĩ quan, binh lính trong quân đội của chúng, chỉ cần thoáng nghi ngờ là lập tức bị thủ tiêu. Hàng chục vạn Việt kiều và cả Hoa kiều cũng không thoát khỏi cảnh đầy ải, khủng bố, sát hại...
Cuộc thanh trừng nội bộ của bè lũ Pol Pot diễn ra toàn diện và rất tàn bạo, bao gồm cả trong Đảng và ngoài chính quyền, quân đội và trong cả nhân dân, từng bước gạt dần đến thanh toàn triệt để những người, bộ phận không tán thành đường lối phản động phiêu lưu của chúng, mà chúng cho là có cảm tình và chịu ảnh hưởng của Việt Nam...
(Trường Chinh: Vấn đề Campuchia; Báo Nhân dân, 24.11.1979)
|
Trong chiến dịch ồ ạt đẩy đuổi Việt kiều, bọn lính Pol Pot đã tiến hành những hành động đàn áp và khủng bố, cướp bóc tài sản với ý đồ phá vỡ triệt để cơ sở ảnh hưởng của Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia. Pol Pot xác định: Việt Nam là kẻ thù số 1, kẻ thù truyền kiếp. Y phát động một số chiến dịch tuyên truyền, học tập chính trị xuống đến các cơ sở, vu khống Việt Nam chiếm đất và hô hào đòi chiếm lại 6 tỉnh Nam kỳ Việt Nam.
(Ký sự lịch sử: Chiến sĩ Biên phòng 1975-1978; NXB CAND, 1998)
|
Bình luận (0)