40 thủ tục mới khởi công được dự án !

15/08/2014 03:25 GMT+7

Báo cáo thống kê về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra con số “nhức nhối” như vậy.

Báo cáo thống kê về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra con số “nhức nhối” như vậy.

40 thủ tục mới khởi công được dự án !
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi tại buổi làm việc hôm qua - Ảnh: Lê Quân

Bộ trưởng liệt kê: Với dự án dùng vốn ngân sách có 15 thủ tục,  để thực hiện xong, cần ít nhất 260 ngày chưa kể thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ. Cụ thể, Bộ KH-ĐT có 3 thủ tục mất 80 - 100 ngày; Bộ TN-MT có 3 thủ tục hết 80 ngày; Bộ Tài chính có 1 thủ tục nhưng mất khoảng 6 - 12 tháng...

Có dự án “hàng chục năm mới có thể khởi công”

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết đối với dự án vốn của tư nhân và nước ngoài thì lên tới 19 thủ tục và thời gian thực hiện là cả đoạn trường mà doanh nghiệp (DN) phải trải qua. Họ phải chờ ít nhất là 392 ngày nếu là dự án nhóm C, 447 ngày đối với dự án nhóm A. Trong đó, Bộ KH-ĐT có 2 thủ tục, chiếm 60 ngày; Bộ TN-MT có 6 thủ tục mất 187 ngày kể cả giải phóng mặt bằng; Bộ Tài chính có 3 thủ tục hết 30 ngày... Đó là chưa tính đến thời gian làm thủ tục liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh - quốc phòng, thuế, quản lý hạ tầng kỹ thuật.

Chưa hết, để thực hiện dự án, DN còn phải vượt qua hàng loạt các thủ tục mang tính đặc thù của từng địa phương. Như ở TP.HCM muốn khởi công được cần phải có 40 thủ tục các loại. Nhiều địa phương khác cũng có không ít các quy định thủ tục hành chính khác mà DN muốn làm dự án buộc phải có. “Đây là các số liệu Bộ Xây dựng thống kê được trên lý thuyết, còn thực tế việc làm thủ tục hành chính mất rất nhiều thời gian của DN. Không ít dự án phải mất 3 - 4 năm, thậm chí 5 năm, trường hợp cá biệt lên tới hàng chục năm mới có thể khởi công. Làm mất cơ hội làm ăn, DN rất nản”, Bộ trưởng Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho hay, tại Hà Nội, rất ít dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư dưới 24 tháng. Chủ yếu do tắc ở khâu thiếu quy hoạch 1/500. Ngoài đẩy mạnh lập quy hoạch chi tiết, ông Hiển kiến nghị cần lập cơ sở dữ liệu đất đai để các bộ ngành dễ dàng liên thông với nhau trong việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cho dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho hay, cũng vì thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng quá phức tạp, mất thời gian nên không ít dự án đường đã thi công gần xong mới hoàn thành thủ tục đầu tư.

Phải cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, vấn đề thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực khác của nước ta đang trở thành nỗi khiếp sợ của các chủ đầu tư và là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả không cao. Điều này thể hiện rõ nhất trong giá đầu tư công, luôn cao gấp 1,5 - 2 lần đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém cũng từ nguyên nhân này. DN làm ăn không có lãi thì nhà nước cũng thất thu thuế.

Thủ tướng khẳng định: “Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu quả song vẫn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ”.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng lập kế hoạch hành động chi tiết. Đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, bãi bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết cả ở trung ương và địa phương trong thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng phải chủ trì và các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ các thủ tục không cần thiết khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan. Song song đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện. Sau khi làm xong kế hoạch thì kiến nghị Chính phủ xem xét.

Về phía các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000, 1/500, đặc biệt là quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị… để giảm ách tắc, nhũng nhiễu, tiêu cực. Đặc biệt đẩy mạnh quy hoạch chi tiết ở Hà Nội và TP.HCM.

Siết chặt chi thường xuyên

Trong chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 ban hành ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải thắt chặt chi tiêu, tăng thu ngân sách vượt 8 - 10% dự toán và đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Thủ tướng chỉ đạo mọi đơn vị phải chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với các khoản chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, ô tô... tuy đã đến thời hạn thanh lý, thải loại nhưng vẫn có thể sử dụng được. Sau ngày 31.10.2014, sẽ ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nếu đến thời điểm đó vẫn chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các giải pháp giải quyết vướng mắc và kiến nghị của các DN. Tập trung hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giảm dần số lượng ngừng hoạt động và giải thể.

Anh Vũ

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.