Danh sách ứng viên các vị trí chủ chốt của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) khóa 7 sẽ được Chủ tịch VFF khóa 6 Nguyễn Trọng Hỷ công bố trong phiên họp Ban chấp hành vào ngày hôm nay.
Chưa ai tự ứng cử
Việc công khai danh sách chưa từng có tiền lệ ở các khóa trước và cũng chưa bao giờ, số lượng ứng viên lại lên đến con số kỷ lục như lần này - 40 người. Đây mới chỉ là đề cử từ 70/77 thành viên VFF (bao gồm các CLB, các LĐBĐ địa phương). Trong cuộc họp rất quan trọng này, các ủy viên Ban chấp hành (BCH) có quyền tự đề cử cá nhân mình vào những cương vị mà vị đó cho là phù hợp.
Nếu không có tự ứng cử, BCH sẽ chốt lại danh sách ứng viên sáng giá nhất để trình lên các cơ quan cao hơn cho ý kiến. Ngoài ra, vì VFF là một tổ chức xã hội nên tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Trọng Hỷ làm trưởng ban cũng sẽ sẵn sàng tiếp nhận những đề cử của các cá nhân ngoài xã hội vào cương vị chủ tịch (như luật sư Trần Vũ Hải đã từng đề cử ở khóa 5). Cho đến ngày hôm qua, VFF chưa nhận được bất kỳ sự tự ứng cử nào.
|
Nhiều CLB đề cử ông Đoàn Nguyên Đức, song bầu Đức mới đây đã từ chối vì việc kinh doanh đã quá tải. Một vài đội bóng cũng đã đề cử trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel, nhưng trao đổi với Thanh Niên ngày hôm qua, bộ phận truyền thông của tập đoàn viễn thông này đã khẳng định, ông Xuân sẽ không thể bố trí được thời gian để làm bóng đá. Cũng hôm qua, trả lời báo chí, trung tướng Hoàng Anh Xuân bác bỏ thông tin tự ra ứng cử. Nằm trong các nhân vật từ chối chức danh chủ tịch còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lê Khánh Hải.
Trong số các CLB chưa đề cử ứng viên chủ tịch có Sông Lam Nghệ An, mà theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao SLNA Nguyễn Hồng Thanh: “Tôi muốn Chủ tịch VFF khóa mới phải là một chính khách tầm thứ trưởng trở lên, có uy tín, am hiểu bóng đá, tâm huyết và đặc biệt phải tự nguyện ngồi vào chiếc ghế nóng sau khi được đề cử. Chứ nếu họ không muốn được bầu mà ép xuống thì rất khó làm. Hoặc một doanh nghiệp tầm cỡ, có kế hoạch phát triển dài hơi, hiệu quả”.
Xuất hiện ứng viên mới
|
Được biết, các ứng viên đang tạm dẫn đầu danh sách đề cử có ít nhất 3 người, trong đó lần lượt là phó chủ tịch Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn. Ông Dũng có thế mạnh về tài chính, được lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT đánh giá cao. Trong nhiều tình huống, bằng mối quan hệ của mình, ông Dũng có thể vận động được tiền cho VFF. Tuy nhiên, một ủy viên BCH VFF nêu ý kiến: “Chủ tịch VFF không nhất thiết phải làm chuyên môn, nhưng phải có uy tín và tập hợp được sức mạnh của BCH, của các CLB, các liên đoàn, nghĩa là phải kêu gọi được sự đoàn kết, nhất trí của mọi người”. Ông Phạm Văn Tuấn có chút ưu thế vì đang giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, là người của ngành dễ biệt phái, song bản lĩnh lãnh đạo cần khẳng định hơn nữa đối với việc lãnh đạo bóng đá quốc gia.
Theo nguồn tin của chúng tôi, có khá nhiều CLB đã đề cử ủy viên BCH VFF khóa 6 Lê Quý Phượng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, hiện đang giữ chức Hiệu trưởng Đại học TDTT TP.HCM. Ông Phượng được đánh giá cao về chuyên môn và trình độ quản lý cũng như tính cách. Với sự xuất hiện của một nhân vật “ẩn mình” như ông Phượng, cuộc đua vào chức Chủ tịch VFF thêm phần gay cấn.
Chiếc ghế Tổng thư ký cũng rất nóng với nhiều đề cử khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 2 gương mặt sáng giá gồm nguyên Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn (Vụ trưởng Tổng cục TDTT), hiện là Ủy viên Thường vụ AFC và là người châu Á đầu tiên điều hành trận chung kết World Cup Futsal, và ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF. Tại đại hội, sau khi được bầu, chủ tịch sẽ bổ nhiệm tổng thư ký do BCH giới thiệu. Còn các ứng viên phó chủ tịch cũng khoảng 10-12 người.
Lan Phương
>> Thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT-DL Nguyễn Danh Thái: Phải chỉnh đốn lại Liên đoàn Bóng đá VN
>> Bóng đá VN “máu” AFC Cup
>> Tiềm năng bóng đá VN đủ sức dự VCK World Cup
>> Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Bóng đá VN hiện tại chỉ vì tiền
>> Bóng đá VN còn thiếu gì ?
Bình luận (0)