"Tất cả đều là dự đoán, ước lượng"
Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho biết, đến thời điểm hiện tại không có bất kỳ thống kê chính thức nào về lượng vàng trong dân, tất cả đều là dự đoán, ước lượng.
"Cách đây 10 năm, ước lượng căn cứ vào số lượng nhập khẩu, sản xuất vàng SJC và tung ra thị trường. Tuy nhiên, 10 năm qua đi đã thay đổi rất nhiều, con số không chính xác vì không có cơ sở nào để đánh giá", ông Hùng nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện nay, Việt Nam không dùng vàng tài khoản mà dùng vàng vật chất. Nguyên nhân làm cho giá chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là do cung - cầu.
"Cung không có mà cầu vẫn tăng, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước tăng. Nếu nguồn cung ít hơn nữa sẽ làm khoảng cách chênh lệch giá ngày càng lớn. Có những nguồn tin cho rằng, lượng vàng trong dân hiện khoảng 400 - 500 tấn nhưng không ai biết chính xác, đều chưa có dữ liệu chính xác", ông Long nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần WiGroup (đơn vị về dữ liệu lớn hiện nay - PV) cũng cho biết, không có thống kê nào chính thống về lượng vàng trong nền kinh tế.
Tất cả ước tính hiện nay đều do các cá nhân, tổ chức tự tính toán dựa trên các phương pháp, kinh nghiệm khác nhau mang tính ước chừng, phỏng đoán...
Ông Báu phân tích, tính toán chỉ có thể dựa trên lượng vàng nhập khẩu chính ngạch, nhưng còn con số nhập lậu, thị trường "chợ đen" hay tồn trong dân thì không thể biết được, trong khi lượng vàng trên các kênh này đều rất lớn.
'400 hay 500 tấn vàng trong dân, không ai biết chính xác’
Giải mã dữ liệu khi xuất hóa đơn điện tử trong mua - bán vàng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước hôm 12.4, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11.4 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua - bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Cạnh đó, thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng...
Với việc yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua - bán vàng, ông Báu đánh giá, bước đầu cần thực hiện đồng bộ. Số lượng hàng hóa đầu vào, đầu ra được kiểm soát.
"Khi tất cả phải xuất hóa đơn, một số dữ liệu liên quan đến thị trường vàng sẽ được giải mã. Ít nhất phải thực hiện việc đong đếm được lượng mua - bán ra sao để có những điều tiết phù hợp. Chính sách tốt, hiệu quả cần được dựa trên thiết kế xuất phát từ các dữ liệu tổng thể", ông Báu nhấn mạnh.
Đề cập nội dung này, ông Hùng cho rằng: "Minh bạch hóa giao dịch, mua - bán dùng hóa đơn điện tử là xu hướng chung, như vậy sẽ biết được nguồn vàng như thế nào, ai bán ai mua".
Tuy nhiên, chuyển đổi ngay sẽ khó khăn, cần thời gian, có hướng dẫn cụ thể của ngành thuế vì vàng không phải mặt hàng như xăng dầu, có rất nhiều loại vàng. "Phải xem các nước áp dụng như thế nào. Chủ trương là thế nhưng triển khai cần để doanh nghiệp có thời gian thích ứng", ông Hùng nêu quan điểm.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, để xem tổng nguồn vàng trên thị trường bao nhiêu, việc xuất hóa đơn mua - bán vàng chỉ là một trong những biện pháp, không phải là biện pháp chính có thể kiểm soát tình trạng buôn lậu vàng.
"Quan trọng là phải kiểm soát được nguồn hàng từ bên ngoài. Nguồn cung thường doanh nghiệp nói rằng mua trong dân, mà hiện nay ai biết được vàng trong dân là bao nhiêu. Cửa hàng vàng cũng chỉ gom mua đến một lượng nào đó thôi, chủ yếu mua trong dân nên để kiểm soát buôn lậu thì hơi khó chứng minh", ông Long lý giải thêm.
Hướng tới bình ổn, minh bạch thị trường vàng, theo vị chuyên gia này, phải triển khai đồng bộ giải pháp, sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Quan trọng là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
"Cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do sở giao dịch hàng hóa ban hành)", ông Long nói.
Bình luận (0)