'Tăng cung qua đấu thầu vàng, kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới'

15/04/2024 23:10 GMT+7

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tăng cung thông qua đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đến khi nào cân bằng để giảm thiểu mất cân đối cung - cầu, lúc đó giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới.

Chưa nhận được thông báo về đấu thầu vàng

Ngày 12.4, Ngân hàng Nhà nước thông tin sẽ thực hiện ngay tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Hôm nay 15.4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.

Các đơn vị tham gia có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một giờ sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc các doanh nghiệp đăng ký để tham gia đấu thầu vàng

Đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc các doanh nghiệp đăng ký để tham gia đấu thầu vàng

ĐAN THANH

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam chưa nhận được thông báo chính thức nào về việc các doanh nghiệp đăng ký để tham gia đấu thầu vàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, hiện nay, Việt Nam không dùng vàng tài khoản mà dùng vàng vật chất. Nguyên nhân gây chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là do cung - cầu. "Cung không có mà cầu vẫn tăng, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước tăng. Nếu nguồn cung ít hơn nữa sẽ làm khoảng cách chênh lệch giá ngày càng lớn", ông Long nói.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc tăng cung thông qua đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đến khi nào cân bằng để giảm thiểu mất cân đối cung - cầu, lúc đó giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung - cầu, kéo giảm chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới chỉ là giải pháp nhất thời. Đưa vàng vật chất ra nhiều có thể dẫn tới hiện tượng dân đổ xô đi mua vàng.

"Trong bối cảnh hiện nay, phải triển khai đồng bộ giải pháp, phải sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng", ông Long bày tỏ quan điểm.

Cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch vàng

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Nhật Minh (Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng), giá vàng tăng mạnh thời gian qua, kể cả trong giai đoạn cuối năm 2023 không ảnh hưởng quá nhiều đến lạm phát hay giá của các hàng hóa khác.

Việc bình ổn thị trường vàng giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần được thu hẹp, từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, nhập lậu

Việc bình ổn thị trường vàng giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần được thu hẹp, từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, nhập lậu

ĐAN THANH

Dù vậy, trước câu hỏi liệu có thể để giá vàng lên - xuống như chứng khoán hay các kênh đầu tư khác, ông Minh bày tỏ quan điểm thời gian tới vẫn cần bình ổn và quản lý chặt chẽ thị trường vàng.

"Việc bình ổn thị trường vàng giúp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới dần được thu hẹp, từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, đẩy giá hay nhập lậu vàng nhằm kiếm lợi bất chính, gây ra rủi ro tiềm ẩn cho thị trường vàng trong nước nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung", ông Minh nói.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Cần sớm cho phép sở giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do sở giao dịch hàng hóa ban hành).

"Nhà đầu tư không cần cầm vàng đến hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi lại các trung tâm lưu ký (chính là hệ thống ngân hàng thương mại), sẽ tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn phương thức mua - bán vàng truyền thống.

Giá mua - bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống. Điều này giúp không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân", ông Long nhấn mạnh.

Về nguyên tắc, nếu tiếp cận kết hợp, cân đối biện pháp quản lý nhà nước theo các góc độ thì thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn. Cụ thể như, kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa có cung - cầu.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của ADB

Liên quan tới bình ổn thị trường vàng, trả lời câu hỏi của Thanh Niên tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của ADB, nhìn nhận vàng là hàng hóa cơ bản, về quản lý nhà nước với vàng, cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam hiện nay vẫn kiểm soát thị trường vàng mang tính hành chính.

"Về nguyên tắc, nếu tiếp cận kết hợp, cân đối biện pháp quản lý nhà nước theo các góc độ thì thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn. Cụ thể như, kết hợp việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa có cung - cầu", ông Hùng nói.

Tuần qua, giá vàng thế giới giao dịch trong khoảng 2.300 - 2.360 USD/ounce cho đến ngày thứ tư. Tới phiên thứ năm, giá vàng tăng mạnh, đạt mức cao nhất trên 2.400 USD/ounce, trong bối cảnh căng thẳng khu vực Trung Đông gia tăng. Trong phiên thứ sáu, giá vàng tiếp tục tăng lên mức 2.431,59 USD/ounce, sau đó chốt tuần giảm.

Giá vàng thế giới sáng nay 15.4 tăng dữ dội trở lại. Thời điểm 9 giờ sáng nay, giá vàng thế giới giao dịch tại 2.354,15 USD/ounce, tương đương 72,32 triệu đồng/lượng.

Khảo sát thị trường vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, các chuyên gia đều lạc quan với triển vọng của giá vàng. Rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên cao.

Kết quả khảo sát của Phố Wall trên Kitco News, 83% nhà phân tích dự báo giá vàng tăng, 17% dự đoán giảm. Không có chuyên gia nào có quan điểm trung lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.